Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang Vi Ngọc Quý, trên địa bàn huyện hiện có 1.146 ha diện tích chè Shan tuyết, tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, Sơn Phú. Toàn bộ diện tích chè Shan được trồng theo Chương trình 327 và Dự án 661 của huyện đều đã cho thu hoạch. Do đó, ngoài việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng chè đặc sản, huyện tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xưởng chế biến, thu mua chè búp tươi cho người dân. Huyện đã triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, khuyến khích nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) thu hoạch chè Shan tuyết.
Toàn huyện hiện có công ty TNHH Việt Dũng, Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng, 3 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 15 hộ dân đầu tư vào chế biến, sản xuất chè. Vùng nguyên liệu chè phục vụ cho các cơ sở chế biến đạt trên 300 ha. Các công ty, HTX, tổ hợp tác vẫn đang hoạt động có hiệu quả, giá nguyên liệu chè búp tươi bình quân trên địa bàn huyện là 20 - 30 nghìn đồng/kg, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình trồng chè. Hiện nay chính sách phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện đã được quan tâm nhiều hơn, khuyến khích nhân dân tham gia trồng, chế biến sản phẩm chè theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho hộ gia đình.
Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái là điển hình. Từ năm 2019, Hợp tác xã Sơn Trà đã thu mua chè nguyên liệu của các thành viên trong hợp tác xã và người dân để
chế biến, bán ra thị trường gần 10 tấn chè thành phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Để đảm bảo sản phẩm chinh phục được nhiều người tiêu dùng, ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã đã không ngại tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Phú Thọ để học hỏi những kinh nghiệm kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất.
Sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang hiện đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè Shan tuyết từ cây rừng hoang nay đã cho người dân ở Hồng Thái thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, việc sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang được đón nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ là tiền đề cho việc phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Để ngày càng nâng cao chất lượng chè Shan tuyết hơn nữa, thời gian tới, UBND huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia hỗ trợ đầu tư và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng được mô hình doanh nghiệp xuất khẩu chè gắn với người trồng chè, lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với lợi ích người trồng chè. Đồng thời, quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên cơ sở thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp, HTX chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, có xác nhận của chính quyền địa phương, UBND các xã chịu trách nhiệm tổ chức việc phân vùng nguyên liệu và chỉ đạo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tổ chức, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè với người trồng chè, có như vậy các sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu trong tương lai không xa.
Gửi phản hồi
In bài viết