Thêm “cần câu” giúp nông dân vươn lên thoát nghèo

- Hội Nông dân tỉnh đang quản lý các chương trình, dự án vay vốn chăn nuôi trâu, bò giúp cho 2.354 hộ nghèo vay. Các chương trình, dự án đã và đang đóng vai trò là “cần câu” giúp nông dân có vốn sản xuất, tận dụng nguồn thức ăn xanh tự nhiên, nguồn lực lao động để các hộ nỗ lực phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Theo các quyết định của UBND tỉnh, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh được giao quản lý tổng số 2.414 con trâu, bò giúp cho  2.354 hộ nghèo vay. Trong đó, huyện Lâm Bình 382 con, huyện Na Hang 287 con, huyện Chiêm Hóa 372 con, huyện Hàm Yên 329 con, huyện Yên Sơn 636 con và huyện Sơn Dương là 408 con. Số nguồn trâu, bò do các tổ chức, cá nhân tài trợ như: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Tập đoàn Vingroup tài trợ...

Vợ chồng anh Triệu Văn Thương, Bàn Thị Hạnh, ở thôn Cây Thông, xã Hùng Đức (Hàm Yên) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, các chương trình, dự án trên được triển khai đều ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ địa cách mạng. Đến tháng 4 - 2021, các chương trình, dự án vay trâu bò, lũy kế giúp cho 4.422 hộ nghèo, hộ chính sách được hưởng lợi. Ưu điểm của những chương trình, dự án được thực hiện theo phương thức cho vay quay vòng, hay còn gọi là “vay bò, trả bê”, dự án “vay trâu, trả nghé”. Nhờ đó, nguồn vốn (đàn trâu, bò) của dự án được bảo toàn, không ngừng lan tỏa, giúp cho nhiều hộ có nhu cầu được vay. Những hộ nghèo, hộ chính sách sẽ nhận con giống cái ban đầu của dự án về chăm sóc. Đến khi trâu, bò sinh sản, hộ đó có trách nhiệm trả lại cho dự án 1 con bê, hoặc nghé đủ tiêu chuẩn để Ban quản lý cấp xã luân chuyển cho một hộ khác vay. Đồng thời, hộ đó được giữ lại con bò, trâu cái đó là tài sản, tiếp tục nuôi để sinh sản tăng đàn, có thêm thu nhập giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Đồng chí Nguyễn Thị Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Đức (Hàm Yên) cho biết: Hội đang quản lý 12 con bò (theo quyết định số 141 của UBND tỉnh, nguồn bò do Tập đoàn Vingroup tài trợ) giúp cho 12 hộ nghèo vay. Các hộ trước khi nhận bò được bình xét, thẩm định từ thôn, đây là những hộ thiếu vốn, có nhân lực, chăm chỉ làm ăn, khát khao vươn lên thoát nghèo. Các hộ đều có phương án quản lý, chăm sóc bò tốt. Dự án mang lại ý nghĩa thiết thực giúp những hộ nghèo có được chiếc “cần câu” phù hợp vươn lên thoát nghèo.

Hộ anh Triệu Văn Thương, chị Bàn Thị Hạnh, ở thôn Cây Thông, xã Hùng Đức, là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Tháng 6-2017, hộ anh Thương được vay 1 con bò của dự án về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, bò khỏe. Năm 2018, con bê ban đầu đã sinh sản lứa đầu là con bê cái. Năm 2019, anh đã trả lại cho dự án 1 con bê cái đủ tiêu chuẩn cho Ban Quản lý dự án của xã luân chuyển cho một hộ khác vay. Anh Thương tiếp tục giữ lại con bò cái nuôi. Đến nay, con bê cái đã sinh sản thêm 2 lứa, tổng cộng gia đình anh có đàn bò 3 con. Anh đã làm chuồng nuôi kiên cố, trồng thêm 3 sào cỏ voi. Nguồn phân bò anh dùng bón cho cỏ voi nên sẵn nguồn thức ăn xanh quanh năm cho đàn bò.

Anh Thương chia sẻ, được vay bò đã giúp gia đình anh trong phát triển kinh tế. Anh tính nhẩm, với đàn bò 3 con hiện tại, thêm 3 - 5 năm nữa, gia đình có tổng đàn bò chục con. 3 con bò hiện nay có tổng trị giá gần 50 triệu đồng, đây là động lực để anh phấn đấu thoát nghèo vào cuối năm nay. Nuôi bò có nhiều ưu điểm như sinh sản nhanh, dễ chăm sóc, chi phí khá thấp, bò có thể nuôi nhốt, hoặc chăn thả tự nhiên.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan quản lý chặt chẽ, tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn những hộ được vay trồng thêm cỏ, tích trữ thức ăn cho vật nuôi; chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục