Quân đội Nga đưa các thiết bị quân sự từ biên giới với Ukraine trở về căn cứ.
Tổng thống Vladimir Putin thông báo, một số lực lượng Nga đã rút khỏi biên giới giáp Ukraine sau khi “hoàn tất hoạt động tập dượt”. Ông chủ Điện Kremlin cũng bày tỏ thiện chí tháo gỡ căng thẳng bằng giải pháp ngoại giao, dù thẳng thắn nhấn mạnh những yêu cầu an ninh của Mátxcơva là “ưu tiên không mặc cả”. Hãng thông tấn Nga RIA cũng công bố các đoạn phim cho thấy, xe tăng, xe thiết giáp được đưa lên các toa tàu chuyên dụng để trở về căn cứ bằng đường sắt.
Động thái của Nga cho phép giới quan sát “thở phào”, sau nhiều tuần các hoạt động tập trận với sự có mặt của hơn 100.000 binh sĩ Nga tại khu vực biên giới với Ukraine khiến phương Tây lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc tấn công quân sự nhằm vào nước này. Về phần mình, Mátxcơva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Điện Kremlin, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng tìm cách mở rộng biên giới khối về phía Đông, đồng thời đưa lượng lớn vũ khí vào lãnh thổ Ukraine mới đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Việc Nga rút bớt lực lượng dĩ nhiên gây ngạc nhiên lớn, trong bối cảnh Mátxcơva tới nay chưa được đáp ứng các yêu cầu đã nêu với Mỹ và NATO, trong đó có việc bảo đảm Ukraine không gia nhập NATO… Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, quyết định trên là hợp lý, trước hết là thể hiện “nói lời, giữ lời”, nhất quán với quan điểm theo đuổi biện pháp ngoại giao mà các nhà lãnh đạo Nga nêu ra trong những phát biểu gần đây. Các ý kiến phân tích cũng nhận định, động thái mới của Nga đã giáng một đòn mạnh vào những đồn đoán ngập tràn trên nhiều kênh truyền thông về nguy cơ cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine.
Tuy nhiên, việc số lượng binh sĩ rút đi không được thông báo cụ thể vẫn khiến Mỹ và các quan chức phương Tây duy trì tâm lý thận trọng. Các nước liên quan cho biết, sẽ chờ xem liệu Nga có thực sự rút quân hay không, nhất là khi Nga vẫn đang tiến hành các cuộc tập trận ở Belarus (dự kiến kết thúc vào ngày 20-2) và khu vực Biển Đen. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington chưa xác nhận việc các đơn vị quân đội Nga trở về căn cứ, trong khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss thậm chí tuyên bố, London cần chứng kiến một sự thoái lui toàn diện các lực lượng Nga khỏi khu vực biên giới giáp Ukraine thì mới tin Nga không có kế hoạch tấn công nước láng giềng.
Có thể thấy, chắc chắn căng thẳng chưa thể biến mất trong một sớm một chiều. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây cho biết, Điện Kremlin sẽ tiếp tục cố gắng đạt thỏa thuận với các đối tác phương Tây, nhưng nhấn mạnh không có nhiều thời gian để làm điều này. Trong khi đó, chưa có tín hiệu nào cho thấy Mỹ và các nước phương Tây sẽ nhượng bộ đối với Nga. Mặc dù NATO đã rút các đơn vị huấn luyện ra khỏi Ukraine, song việc này không đồng nghĩa từ bỏ tham vọng kết nạp quốc gia Đông Âu này vào NATO. Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh Ukraine đã nhận được lượng vũ khí viện trợ khổng lồ suốt những tuần qua, diễn biến quân sự tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng - vốn vẫn gây căng thẳng giữa Nga và Ukraine, được dự báo có thể “nóng” lên.
Dù thế nào, không thể phủ nhận được tính chất tích cực của diễn biến mới tại biên giới Nga - Ukraine. Giờ là lúc các bên cần tập trung vào các giải pháp ngoại giao để sớm tìm được tiếng nói chung, không để sự việc leo thang, tạo bất ổn cho an ninh châu Âu.
Gửi phản hồi
In bài viết