Theo tài liệu của Cục Thú y, bệnh nhiệt thán hay còn có tên gọi khác là bệnh Anthrax xảy ra cấp tính hoặc quá cấp tính trên trâu bò. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây sốt cao ở hầu hết các loại động vật máu nóng. Bệnh này có đặc điểm nhiễm trùng máu, bại huyết gây ra cái chết cho con vật rất nhanh. Hiện nay, bệnh nhiệt thán có thể lây lan cho nhiều loài động vật khác nhau gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ gia đình chăn nuôi. Lo ngại hơn bệnh rất dễ lây sang người. Tại 2 tỉnh Hà Giang, Điện Biên nơi xuất hiện các ổ dịch đã ghi nhận bệnh lây sang người. Bệnh do trực khuẩn Gram dương Bacillus Anthracis gây ra, nguyên nhân lây lan chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin nhiệt thán. Khi trâu, bò chết, người dân không khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương, tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới lây bệnh cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh.
Nhân viên Thú y xã Đội Bình (Yên Sơn) tiêm phòng cho đàn trâu, bò trên địa bàn
Xã Yên Lâm (Hàm Yên), giáp ranh với tỉnh Hà Giang đang tăng cường các biện pháp để bảo vệ an toàn cho đàn trâu, bò. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có hơn 1.000 con trâu, bò. Trước nguy cơ dịch bệnh nhiệt thán xâm nhập, xã đã thông báo đến các thôn yêu cầu bà con khẩn trương đưa trâu, bò về chuồng, tuyệt đối không thả rông trong rừng, khu vực giáp ranh với các địa phận của tỉnh bạn; thực hiện tiêm đầy đủ vắc xin phòng, chống các bệnh nguy hiểm cho trâu, bò. Hiện đã có 65% đàn trâu, bò của xã được tiêm đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Xã cũng đôn đốc các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, ngăn ngừa mầm bệnh phát sinh, lây lan.
Ông Triệu Chòi Liều, thôn 65 chia sẻ, nắm được thông tin có dịch bệnh nhiệt thán và thực hiện yêu cầu của xã, ông đã lùa đàn trâu 24 con của gia đình về trại, không thả rông trên rừng nữa, đồng thời gọi nhân viên thú y xã về tiêm phòng cho từng con trâu nên cũng yên tâm phần nào.
Gia đình ông Bùi Ngọc Anh, thôn Tháng 10 cũng đã di chuyển đàn trâu về nhà để bảo vệ. Ông Anh cho biết, mỗi con trâu trị giá vài chục triệu nên thả rông bên ngoài nếu không may mắc bệnh sẽ bại sản mất, bằng mọi giá ông nhốt lại để chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho chúng.
Tại các trang trại chăn nuôi trâu, bò lớn, các biện pháp kiểm soát nguy cơ dịch bệnh được tăng cường ở mức cao nhất. Thông tin từ các trang trại chăn nuôi bò sữa Hồ Toản (Yên Sơn), Phú Lâm (TP Tuyên Quang), Phúc Ứng (Sơn Dương) thuốc khử trùng được phun thường xuyên; người và phương tiện không có nhiệm vụ đều bị nghiêm cấm đi vào khu vực chăn nuôi...
Người dân xã Kim Quan (Yên Sơn) thực hiện nuôi nhốt đàn trâu để phòng, trừ bệnh dịch lây nhiễm.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẳng định, tính đến thời điểm này, trên 80% đàn vật nuôi đã được tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, trong đó có bệnh nhiệt thán. Chi cục cũng yêu cầu Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố rà soát, tổ chức tiêm vét đối với tất cả trâu, bò chưa thực hiện tiêm vụ xuân hè. Kiểm soát nguy cơ dịch bệnh lây lan, tại trạm kiểm dịch, đặc biệt là trạm kiểm dịch giáp ranh với tỉnh Hà Giang, đơn vị cũng đã tăng cường cán bộ trực 24/24h kiểm soát chặt vận chuyển gia súc, thịt gia súc từ vùng dịch vào tỉnh. Chi cục tăng cường phối hợp với ngành y tế chia sẻ thông tin, điều tra ổ dịch, ngăn chặn tác nhân gây bệnh lây từ gia súc mắc bệnh sang người và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Nguyễn Đăng Khoa, hiện tại đàn vật nuôi, trong đó có đàn trâu, bò của tỉnh vẫn ổn định, chưa ghi nhận trường hợp bất thường. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh lây lan vào tỉnh là vô cùng lớn. Do vậy cùng với sự vào cuộc của ngành chuyên môn, giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả chính là ý thức của người dân, bởi đây là bệnh nguy hiểm cho cả vật nuôi và người. Người dân tuyệt đối không tự ý vận chuyển, giết mổ gia súc, bán, cho, tặng, ăn thịt gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương ngay khi phát hiện động vật có biểu hiện của bệnh; chủ động hợp tác với chính quyền, cơ quan chuyên môn xử lý ổ dịch và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết