Trụ đỡ của nền kinh tế - Bài 1: Quyết sách để phát triển nông nghiệp bền vững

- L.T.S: Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, là trụ đỡ của nền kinh tế. Vượt qua những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và những suy thoái của nền kinh tế thế giới, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là khâu đột phá, giá trị tăng trưởng khá cao, nhiều vùng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao được hình thành mang lại giá trị thiết thực cho người nông dân.

Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và cụ thể hóa thành những quyết sách quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những quyết sách này với các cơ chế, chính sách hỗ trợ thông thoáng, phù hợp đã trở thành đòn bẩy, động lực, có tác động tích cực để nông nghiệp Tuyên Quang phát triển bền vững.

Quyết sách cụ thể trên từng lĩnh vực

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong 3 khâu đột phá. Nhiệm vụ  này đòi hỏi phải được thực hiện song song với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện yêu cầu này, tỉnh xác định cần phải có những quyết sách cụ thể trên từng lĩnh vực với những mục tiêu trước mắt nhưng cũng phải đảm bảo tính lâu dài, có lộ trình để thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng vùng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu ban hành 1 nghị quyết của Tỉnh ủy, 1 nghị quyết của HĐND tỉnh, 2 đề án và 10 chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh. Sở biên soạn thành cuốn tài liệu cấp phát cho các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố để tổ chức thực hiện. Từ năm 2021 đến nay, Sở đã xác định 128 việc trọng tâm giao cho các đơn vị trực thuộc để tổ chức thực hiện, đánh giá thường xuyên tiến độ.

Hợp tác xã dịch vụ sản xuất chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa, xã Hợp Hòa (Sơn Dương)
được hỗ trợ vốn vay để phát triển sản phẩm trà cà gai leo.

Trên từng lĩnh vực, tỉnh đã ban hành những quyết sách phù hợp để tạo động lực cho lĩnh vực đó được phát triển. Cụ thể là hai đề án lớn: Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035. Tỉnh cũng ban hành các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 09 quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 06 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành nhiều kế hoạch như bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, kế hoạch thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm thủy sản đến năm 2030, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, cấp nước an toàn khu vực nông thôn…

Những quyết sách được ban hành là sự kế thừa từ nhiều nghị quyết được ban hành trước đây, đồng thời phát huy kết quả, tháo gỡ được những bất cập trong thực tiễn, hỗ trợ người dân hiệu quả, thiết thực hơn, trong đó, một số quyết sách lớn đã có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung, mức hỗ trợ được nâng lên, đảm bảo có sự khuyến khích cao đối với các đối tượng được thụ hưởng. Các quyết sách ban hành trên cơ sở đánh giá sâu, kỹ thực trạng, tác động đến người dân. Bởi vậy có sự cụ thể, dễ triển khai thực hiện, đồng thời có tính bứt phá về chính sách hỗ trợ, từ đó đã tạo tiền đề để nghị quyết đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng thuận cao.

Nhân dân thụ hưởng

Từ các quyết sách của tỉnh, nhiều người dân đã được thụ hưởng để đưa nông nghiệp Tuyên Quang bứt phá, tăng trưởng. Thành lập vào năm 2019 và đến năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu, thôn 4, xã Thái Bình (Yên Sơn) được hỗ trợ chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đối với nhãn hiệu Mật ong nhãn Bình Ca theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh. Anh Trịnh Duy Hùng, Giám đốc HTX cho biết, trước kia chưa được hỗ trợ chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm mật ong của HTX sản xuất ra chưa có uy tín, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản lượng tiêu thụ hàng năm tăng lên cao, hiện bình quân, HTX tiêu thụ ra thị trường các tỉnh là 30 tấn mật/ năm, đặc biệt sản lượng bán lẻ được nhiều hơn.

Đồi thanh long với 1.300 trụ của gia đình anh Hà Văn Sơ, thôn 5 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) là mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước điều khiển từ xa. Anh Sơ phấn khởi cho biết, gia đình anh được hỗ trợ 24 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước của tỉnh. Nhờ có hệ thống này, nước cung cấp cho thanh long đầy đủ hơn trước nên quả phát triển nhanh, đều, mọng, năng suất cao gấp 3 lần trước đây. Hiện nay, mỗi lứa, gia đình anh Sơ thu từ 4 tấn đến 4,5 tấn quả, mỗi năm được thu 6 lứa chính, như vậy ước tính một năm, gia đình anh Sơ thu trên 24 tấn quả, thu nhập từ 220 triệu đồng đến 250 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 150 triệu đồng.

Đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên cho biết, từ các quyết sách của tỉnh được triển khai trên địa bàn huyện, nhiều hộ nông dân đã được thụ hưởng để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp đi đúng hướng, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết, giá trị gia tăng cao.

Nông nghiệp Tuyên Quang bứt phá

Báo cáo đánh giá kết quả 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ rõ, những quyết sách của tỉnh đã góp phần quan trọng đưa các chỉ tiêu chủ yếu về nông nghiệp ước đạt và vượt kế hoạch đề ra so với mục tiêu nghị quyết. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước năm 2023 tăng bình quân trên 4%/ năm, đạt mục tiêu nghị quyết. Số đã đạt chuẩn nông thôn mới lũy kế có 74 xã, đạt 87% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến năm 2025 có 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm một huyện đạt nông thôn mới, vượt mục tiêu nghị quyết. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 ước đạt trên 65%. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh trồng trên 31 nghìn ha rừng, vượt 8% so với mục tiêu kế hoạch, đạt trên 66% kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025. Năng suất rừng trồng từ 16 m3/ha/năm (2020) lên bình quân 17,8 m3/ha/năm (2023), giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha rừng trồng tăng 1,1 lần so với năm 2020.

Hiện GRDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 5 trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tổng diện tích các cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn trên 3.200 ha, toàn tỉnh đã cấp 9 mã số vùng trồng, 3 mã số cơ sở đóng góp cho các sản phẩm nông sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Chăn nuôi đã chuyển dịch dần sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại liên kết. Tốc độ tăng sản lượng cá bình quân đạt 8,3%/năm, sản lượng cá đặc sản tăng bình quân 27%/năm.

Toàn tỉnh đã hình thành 76 liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể, đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về số lượng sản phẩm OCOP; 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Những kết quả ấn tượng trên đây khẳng định các quyết sách đã và đang được triển khai từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo đà để nông nghiệp của tỉnh bứt phá, tiếp tục phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thủy Châu

(còn nữa)

Tin cùng chuyên mục