Ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

- Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, thương nhân và người tiêu dùng.

Mới đây nhất, trong 2 ngày 12 và 13-10, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang và Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh đại diện nhà sản xuất của Honda Việt Nam tiến hành kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như HONDA, YAMAHA trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 198 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh xem, tìm hiểu những dấu hiệu để phân biệt xe máy Honda giả và xe máy Honda thật.

Ông Bùi Hồng Tuyên, Chuyên viên phụ trách mảng xử lý hàng giả của hãng Honda Việt Nam cho biết: Công ty Honda Việt Nam hiện có hơn 300 nhãn hiệu được bảo hộ và chia thành 4 nhóm chính là: Nhãn hiệu ô tô xe máy, phụ tùng, dầu nhờn, thiết kế cửa hàng. Hiện 4 nhóm nhãn hiệu chính này đều bị các cơ sở kinh doanh vi phạm nhãn hiệu, Sở hữu trí tuệ Honda. Trong đó, vi phạm kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu xe máy Honda ở dòng xe 50cc là xe Super Cub và Wave. Ngoài ra hàng chục nghìn phụ tùng giả được thu giữ hàng năm tập trung vào nhóm tính năng an toàn như má phanh, dây phanh gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khách hàng và tuổi thọ của xe. Cùng với đó, tem, dầu nhớt, biển hiệu không đúng quy cách cấu trúc của Honda Việt Nam cũng được làm giả rất tinh vi và buôn bán tràn lan trên thị trường.

Vừa qua, để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Đoàn thanh tra chuyên ngành tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang và Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Đức Phương (Sơn Dương). Qua kiểm tra, các công ty có dấu hiệu vi phạm hành chính như: Thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định; công ty có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng không có giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu… Tổng số tiền xử phạt 2 công ty trên là 175 triệu đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, chỉ tính riêng trong quý III-2023, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ vẫn còn diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 230 vụ việc vi phạm (tăng 44,65% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, các đơn vị phát hiện, bắt giữ 2 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấp, hàng lậu; 221 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 7 vụ kinh doanh hàng giả. Tổng số tiền xử lý thu nộp ngân sách là hơn 7,16 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như thuốc lá, pháo nổ, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại.

Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh xã Thái Bình, huyện Yên Sơn
phát hiện một số mặt hàng giả mạo sản phẩm Honda.

Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý thị trường cho biết, dự báo từ nay tới cuối năm tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, nắm được tâm lý của người dân thích mua hàng giá rẻ nên các đối tượng có thể tìm cách đưa hàng sắp hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng chưa qua kiểm dịch... vào tiêu thụ. Điều này gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của Nhân dân. Do đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục có phương án kiểm tra thích hợp, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả trên từng lĩnh vực, địa bàn, mặt hàng trọng điểm.

Đồng thời, mỗi người dân, mỗi cơ sở cần tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại bằng cách trở thành những người tiêu dùng thông thái. Người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các mặt hàng đảm bảo chất lượng, ở những nơi có uy tín. Từ đó, góp phần chung tay nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, ổn định và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục