Liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm
Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại. Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu kinh doanh hàng cấm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Trong quý I-2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang Sơn Tùng, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) về việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Tại cơ sở này, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành tịch thu các sản phẩm vi phạm và xử phạt 25 triệu đồng. Trong đó, xử phạt 10 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái và xử phạt 15 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.
Ngày 20-5, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh tiến hành kiểm tra cửa hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Dương, tổ dân phố Tân Phú, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương). Qua kiểm tra, cửa hàng đang kinh doanh 461 sản phẩm gồm mũ bảo hiểm, quần áo may sẵn các loại và tất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các hãng Louis, Chanel, Gucci, Nike, Adidas là các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Giá trị hàng hóa theo giá niêm yết tại cửa hàng tại thời điểm kiểm tra là hơn 43 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 461 sản phẩm vi phạm và xử phạt 45 triệu đồng.
Mới đây nhất, ngày 11-6, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Kinh doanh Công nghệ Toàn Phát, tổ 9, phường Đội Cấn đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính về việc sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo tại xã Xuân Vân (Yên Sơn).
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi vẫn diễn ra nhưng không có điểm nóng, nổi cộm vì Tuyên Quang là tỉnh không có đường biên giới, không có các khu sản xuất, chế biến lớn. Hàng lậu, hàng giả chủ yếu được đưa từ tỉnh khác về bằng xe khách, xe tải rồi xé lẻ đưa vào cơ sở kinh doanh nhỏ, các sạp hàng ở chợ phiên các xã vùng sâu, vùng xa.
Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, các app trực tuyến trên điện thoại di động, máy tính để kinh doanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, shipper... nhằm trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024, tình hình buôn lậu, kinh doanh thương mại hàng giả, gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp hơn. Nhất là dịp cuối năm 2024 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán năm 2025.
Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang Lê Mạnh Thao cho biết, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách các đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, Cục đã phối hợp với các cơ quan như Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh… thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và hành vi gian lận thương mại.
Đặc biệt từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra thị trường vàng phát hiện 16 cơ sở trên địa bàn tỉnh vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Tổng số tiền xử phạt là 189 triệu đồng. Đối với thị trường xăng dầu, Cục đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong năm 2024, chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu nào vi phạm. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang, trong nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 211 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy hàng hóa là 725 triệu đồng. Trị giá hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý là gần 500 triệu đồng.
Về phía Sở Công Thương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện thông tin minh bạch, người tiêu dùng lựa chọn tiêu dùng an toàn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội ban hành, theo kế hoạch từ 1-7-2024 sẽ có hiệu lực. Theo đó, người tiêu dùng có quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho mình và cộng đồng.
Cục Quản lý thị trường tỉnh khuyến cáo người dân nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc có thể liên hệ số đường dây nóng của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh 0915 096 626 để tố giác đến cơ quan chức năng.
Gửi phản hồi
In bài viết