Các đại biểu tham dự sự kiện.
Tham dự sự kiện có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, công ty trung gian thanh toán, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII đã nhấn mạnh “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Quốc hội cũng đã đề ra nhiệm vụ “đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số (Quyết định 810/QĐ-NHNN), ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trên nhiều mặt.
Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt chỉ đạo triển khai tích cực Đề án 06, ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai số 01/KHPH-NHNN-BCA với Bộ Công an gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể hướng tới việc ứng dụng dữ liệu dân cư để đem lại các tiện ích, lợi ích mới cho khách hàng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác.
Báo cáo Kết quả phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong triển khai Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động Ngân hàng, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng cho biết: đến nay, C06 đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng.
Qua đó, bảo đảm 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, C06 tham mưu Tổ Công tác triển khai đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét miễn giảm phí khai thác dịch vụ xác thực thông tin theo hướng phù hợp, đa dạng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số với chi phí thấp nhất. Bên cạnh đó, đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ xác thực thẻ căn cước công dân phục vụ ngành ngân hàng và bước đầu triển khai.
“Tại gian hàng triển lãm ngày hôm nay có các đơn vị như: Vietcombank, Vietinbank, Tecombank, Epay… đều ứng dụng giải pháp xác thực thẻ căn cước công dân từ Bộ Công an, qua đó tiết kiệm chi phí quản lý, tối ưu hệ thống, số hóa dữ liệu tạo lập quy trình điện tử toàn diện góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Giải pháp đã triển khai là rất hiệu quả, thiết thực, vì vậy đề nghị ngành Ngân hàng nghiên cứu, ứng dụng triển khai đem lại tiện ích cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy chuyển đổi số”, Đại tá Vũ Văn Tấn nêu rõ.
Chia sẻ về thực trạng dữ liệu của ngành Ngân hàng hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cho biết, hiện dữ liệu của ngành Ngân hàng không hoàn toàn sạch, nên có nhiều điểm còn bất cập.
Cụ thể, với giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân trước đây, kẻ gian có thể giả mạo giấy tờ tùy thân, thay ảnh chứng minh nhân dân để mở tài khoản ngân hàng; có những trường hợp kẻ gian thuê nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật để mở tài khoản và sử dụng chính tài khoản đó để gian lận, phạm tội,..
“Do vậy, khi dữ liệu khách hàng của ngân hàng được làm sạch và chuẩn hóa sẽ giúp ngân hàng dọn dẹp được tài khoản rác; giảm thiểu rủi ro tổn thất tài chính tới khách hàng, ngăn chặn tội phạm. Đồng thời, việc kết nối và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng làm cho việc mở tài khoản bây giờ trở nên thuận tiện, dễ dàng và chính xác hơn”, ông Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh.
Đối với Ngân hàng Vietcombank, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thị Kim Oanh cũng cho biết, trên cơ sở đồng ý của khách hàng, Vietcombank đang thí điểm kết nối hệ thống để xác thực/định danh khách hàng qua VNeID và sau đó, ứng dụng Mô hình chấm điểm tín dụng công dân như là một trong các yếu tố để tham khảo trong thẩm định/phê duyệt các khoản vay tiêu dùng nhỏ cho khách hàng trên môi trường điện tử.
Với các công cụ hỗ trợ xác thực định danh và nguồn thông tin thẩm định khách hàng từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như trên, ngân hàng cung ứng giải pháp cho vay, phát hành thẻ tín dụng hoàn toàn trên môi trường điện tử chỉ trong vài phút.
“Vietcombank xác định phát triển cho vay/phát hành thẻ tín dụng online sẽ là một trong những sản phẩm chính của công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới”, bà Kim Oanh nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn thông điệp Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng năm nay là “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, đây lần thứ 2 tham dự Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Qua 2 lần trải nghiệm, trực tiếp chứng kiến các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ sự ấn tượng về những thành quả mà ngành đã đạt được.
“Tôi cũng cảm nhận được một cách rõ rệt tinh thần chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp xuyên suốt từ các phát biểu của đồng chí Thống đốc, báo cáo kết quả 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và các bài tham luận trình diễn cũng như giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng tại các gian hàng”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và là vấn đề mới, khó, phức tạp; do đó cần tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt, thống nhất, quyết liệt tổ chức triển khai tốt các nhóm nhiệm vụ, cụ thể như : Cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành, trong đó hạt nhân là hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng, phải theo kịp và đáp ứng được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng.
“Nhân sự kiện này, tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu để phát triển hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng, mang lại giá trị mới và lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Gửi phản hồi
In bài viết