Cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở nước ta được phát triển theo nguyên tắc hình nón. Thông thường, để có được những cán bộ hội tụ đủ đức, đủ tài, làm lãnh đạo, quản lý thì các cấp ủy, chi bộ tiến hành xây dựng quy hoạch, xác định nguồn kế cận. Đến thời điểm phù hợp, cấp ủy sẽ lựa chọn bố trí, luân chuyển cán bộ làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý theo quy trình Đảng đã hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bên cạnh cấp ủy cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, minh bạch, công tâm thì còn có những nơi lựa chọn, luân chuyển cán bộ theo cảm tính hoặc dựa vào các mối quan hệ, người thân, người quen và người nhà.
Biểu hiện “xin - cho” dễ thấy là nhiều cán bộ còn ít tuổi, chưa có kinh nghiệm, chưa rõ năng lực và hiệu quả công tác đã được xếp vào nguồn đưa đi bồi dưỡng các bằng cấp, chứng chỉ... để sẵn sàng thế chân vào các vị trí “nói có người nghe, đe có người sợ”. Biểu hiện rõ nét dễ nhận thấy nhất là nếu là con, là cháu của lãnh đạo to đương chức thì sẽ được cất nhắc rất nhanh. Kết quả là không ít địa phương, đơn vị có những “cán bộ nhúng”, “cán bộ lướt”, “cán bộ thăng tiến thần tốc”, “chín ép”...
Gần đây có trường hợp một cán bộ lãnh đạo ở một tỉnh miền Trung bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan vụ “chuyến bay giải cứu”. Vị này sinh năm 1979, năm 2004 mới chỉ là chuyên viên, nhưng từ năm 2018 đã giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho thấy đã có những thăng tiến “thần tốc” mà hiếm người bình thường nào có được. Nếu trừ thời gian đi học tiến sĩ luật và các chứng chỉ khác thì thời gian công tác, cống hiến của vị này chưa được là bao…
Để có một chức danh, được thăng tiến thần tốc, nhiều cán bộ có các cách làm khác nhau. Họ không chỉ thể hiện sự “cung cúc tận tụy” mà còn tận tâm cung phụng chiều chuộng, vuốt ve, dùng tiền tài vật chất mua chuộc những “chiếc ô”, để mong được “đưa đường chỉ lối”, được nâng đỡ. Khi đã “tâm đầu ý hợp”, những người có quyền trong công tác cán bộ sẽ tương kế tựu kế để đưa ra những giải pháp thuận lợi, nâng đỡ. Dễ nhìn thấy nhất là cho họ các điều kiện nào đó rồi tung hô, khen ngợi, định hướng tập thể đồng lòng với nhận định chủ quan hoặc dìm những người có xu hướng vươn lên bằng cách khoét sâu vào các điểm yếu. Cao kiến hơn đó là dùng giải pháp “tập sự” để tạo ra những “con đường quang”, không có cạnh tranh. Khi đã được ở vào các vị trí công tác quyền uy, thay vì cống hiến, thay vì đưa ra quyết định lợi cho cộng đồng thì những cán bộ “chín ép” được thăng tiến thần tốc tìm cơ hội trục lợi, cốt để vơ vét.
Hậu quả đáng lo ngại do hiện tượng này gây ra là hình thành lên sự cạnh tranh không lành mạnh trong chính cơ quan, tổ chức. Nhiều cán bộ cũng a dua “quan hệ” để được nâng đỡ dưới cái mác tài năng, là cán bộ nguồn… Một số cán bộ, công chức thì chọn giải pháp đấu tranh, phát biểu thổ lộ tâm tư, tình cảm thì bị trù dập dưới các chiêu trò tinh vi. Nhiều cán bộ nhìn thấy sự tình, thấu tỏ nguồn cơn đã giảm niềm tin, nhiệt huyết phấn đấu và an phận thủ thường.
Thực chất những biểu hiện trên đều xuất phát từ nguyên nhân thao túng, lộng quyền, lạm quyền trong công tác cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra.
Để ngăn vấn nạn “xin - cho” trong công tác cán bộ thì mấu chốt của vấn đề là phải công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ. Chỉ có đánh giá đúng cán bộ mới sử dụng cán bộ hiệu quả, chính xác. Cần lấy hiệu quả công việc là thước đo để đánh giá cán bộ và thử thách cán bộ ở những việc mới, việc khó. Bởi, ở trong môi trường ngặt nghèo, nhiều áp lực mới thì cán bộ mới tỏ rõ ý chí, lập trường, bản lĩnh và năng lực. Cần dựa vào quần chúng, dựa vào tập thể, lắng nghe dư luận để có đánh giá cán bộ chính xác. Kiên quyết đấu tranh với hiện tượng cấp trên gợi ý, định hướng trong lựa chọn cán bộ nhằm có tỷ lệ phiếu bầu cao để rồi sau đó đi giải thích, sửa sai khi cán bộ được cất nhắc sa vào tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, các cấp ủy cần có quy chế lãnh đạo công tác cán bộ rõ ràng, minh bạch, khách quan, ngăn chặn hiện tượng lạm quyền, lộng quyền, thao túng cán bộ, mang lại cơ hội cho tất cả công chức, cán bộ các cấp cơ hội phấn đấu ngang bằng. Mặt khác, đảng ủy cấp trên cần đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra về công tác cán bộ, chỉ ra được những hạn chế, bất cập, nhất là ngăn chặn các hiện tượng ưu ái, cất nhắc cán bộ không trong sáng.
Để chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong công tác cán bộ ở không ít đơn vị, địa phương bị chi phối bởi nhận xét cảm tính của người có quyền, cơ quan chức năng cần nghiên cứu các giải pháp đơn giản, hiệu quả để bịt lỗ hổng này. Nếu còn để cảm tính chi phối công tác then chốt này thì rõ ràng là “xin - cho” trong công tác cán bộ sẽ còn gây ra hệ lụy.
Gửi phản hồi
In bài viết