Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Năm học 2021 - 2022 là năm học thứ 2 ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, toàn ngành đã khắc phục khó khăn tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến linh hoạt… Từ đó hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng, mục tiêu giáo dục, đào tạo đã đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đó là: Việc dạy và học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính tạm thời, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục; tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu; sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn có ý kiến phản ánh còn chưa phù hợp với một số vùng miền; mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền có sự chênh lệch lớn…
Tại Tuyên Quang, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ tăng nhanh và cao hơn bình quân của cả nước; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; kết quả điểm trung bình Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tăng 13 bậc so với kỳ thi năm 2021. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung; công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm, đẩy mạnh; giáo dục ngoài công lập bước đầu được khuyến khích phát triển, đặc biệt đối với cấp học mầm non…
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực như: Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian qua. Toàn ngành đã khắc phục khó khăn, nỗ lực dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời gian tới. Giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, lấy nhà trường làm nền tảng, từ đó không chỉ truyền đạt kiến thức mà giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về mọi mặt; phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và hội nhập quốc tế. Cùng với đó phải có phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục một cách phù hợp, tăng cường bồi dưỡng, bổ sung kiến thức để giáo viên đáp ứng nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục rà soát lại các điểm trường, lớp học, hệ thống cơ sở vật chất để có biện pháp sắp xếp hợp lý, phù hợp. Ngành Giáo dục cần tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế; linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; chú trọng chăm lo, phát triển hệ thống trường lớp, đời sống cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nâng cao chất lượng học sinh dân tộc miền núi; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đổi mới, chuyển đổi số trong toàn ngành; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa trong phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo...
Gửi phản hồi
In bài viết