Trên thực tế, hiện nay tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh, ChatGPT đang được một số học sinh, sinh viên dùng thử nghiệm, với nhiều ý kiến khác nhau.
Em Nguyễn Thị Thảo, lớp Đại học Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Tân Trào cho biết, qua tìm hiểu em thấy ChatGPT đưa ra một số kiến thức gợi ý trong quá trình học tập, ChatGPT hỗ trợ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biện luận bằng tiếng Anh hoặc giúp cải thiện nhiều ngôn ngữ khác nhau cho người dùng. ChatGPT cũng có thể đề xuất từ khóa, cấu trúc bài viết hoặc hỗ trợ câu trả lời cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả thì mỗi người cũng cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin và không quá lệ thuộc vào công cụ này.
Sinh viên trường Đại học Tân Trào tìm hiểu ứng dụng ChatGPT.
Với cơn sốt ChatGPT trên toàn cầu cũng có nhiều ý kiến lo ngại, việc lạm dụng phần mềm này sẽ dễ làm cho học sinh, sinh viên bị phụ thuộc, dẫn đến thụ động trong học tập. Theo đó, việc đánh giá năng lực của người học sẽ gặp khó khăn cũng như mang đến những tác động tiêu cực từ ChatGPT.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng trường THPT Sông Lô (TP Tuyên Quang) chia sẻ, đây là một ứng dụng tốt phục vụ công tác nghiên cứu, học tập của học sinh và giáo viên, trong đó có khả năng xử lý và lọc thông tin. Với vai trò là người đứng đầu một trường học, cô đã tìm hiểu thật kỹ và thấy rằng, bên cạnh những bất ngờ bởi sự thông minh của ChatGPT khi tạo ra văn bản với một tốc độ rất nhanh nhưng cũng không khỏi lo lắng, bởi việc lạm dụng phần mềm này sẽ dễ làm cho học sinh bị phụ thuộc, dẫn đến thụ động trong học tập. Theo đó, việc đánh giá năng lực của người học sẽ gặp khó khăn, cũng như mang đến những tác động tiêu cực từ ChatGPT.
Đồng chí Lê Văn Tuyên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ChatGPT là bước đột phá của AI, công nghệ này sẽ tác động tới mọi mặt trong ngành Giáo dục, từ vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học đến cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận tri thức của người học.
Thông qua ChatGPT, học sinh, sinh viên có thể tra cứu, tìm kiếm học liệu, thậm chí có thể giúp người học hoàn thành các bài tập giáo viên giao; người học có thêm cơ hội tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học mọi nơi, mọi lúc. Bên cạnh những mặt tích cực mà ChatGPT mang lại thì những mặt trái của ChatGPT có thể gây ra cho học sinh, sinh viên như: lệ thuộc vào ChatGPT sẽ làm cho người học trở nên thụ động, không phát huy được phẩm chất, năng lực của người học; nếu không kiểm soát tốt có thể sẽ dẫn đến tình trạng đạo văn, “đánh cắp chất xám” trong giáo dục... Do đó, chỉ nên coi ChatGPT là trợ thủ, phục vụ công tác học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên.
Trên thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích mà ChatGPT mang lại hay tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Do vậy, để phát huy hiệu quả tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực từ ChatGPT mang lại, việc giáo dục và hướng dẫn người học sử dụng công cụ công nghệ nói chung và ChatGPT nói riêng sao cho hiệu quả, đúng cách, bổ trợ cho quá trình học tập là rất cần thiết.
Gửi phản hồi
In bài viết