Ngành Ngân hàng nỗ lực khôi phục hoạt động sau bão, lũ

- Cơn bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó Tuyên Quang. Mưa lớn kéo dài, nước lũ xả xuống đã gây ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng không chỉ đến người dân mà còn đến cơ sở hạ tầng và hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Khẩn trương khắc phục

Theo báo cáo sơ bộ từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, nhiều ngân hàng đã bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Các chi nhánh như Vietinbank, Agribank, Vietcombank, HDBank, LPbank Tuyên Quang… đều chịu ảnh hưởng do nước lũ dâng cao.

Thiệt hại nặng nề nhất là ngân hàng VietinBank Tuyên Quang, đơn vị có trụ sở chính nằm ngay gần sông Lô nên bị ngập sâu. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Vietinbank Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã liên tục cập nhật thông tin thời tiết và kịp thời vận chuyển tiền, tài sản, thiết bị máy tính, hồ sơ giấy tờ lên cao.

Tại hệ thống các máy ATM bị ngập chi nhánh đã kịp thời cất tiền trước khi ngập. Tuy nhiên trụ sở của chi nhánh bị ngập sâu. Toàn bộ cơ sở vật chất của chi nhánh vừa được đầu tư xây dựng mới, hệ thống tủ, bàn ghế được đóng mới đều chìm trong biển nước gây hư hại. Ngoài bị ảnh hưởng tại trụ sở, ngân hàng có 5 cây ATM bị ngập nước.

Từ chiều ngày 13-9, các điểm giao dịch Agribank Tuyên Quang hoạt động trở lại.

Ngay sau khi nước rút, Vietinbank Tuyên Quang đã huy động toàn bộ nhân viên đến kiểm tra, khắc phục và dọn dẹp, vệ sinh cơ sở hạ tầng. Đối với các máy ATM bị ngập nước, chi nhánh đã báo cho đơn vị bảo hành để họ lên kiểm tra, khắc phục. Hiện nay, hệ thống điện lưới tại trụ sở bị ngập lâu ngày nên cần nhiều thời gian để khắc phục hơn. Chi nhánh dự kiến  sẽ hoạt động trở lại phục vụ người dân vào thứ 2.

Tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Chi nhánh Tuyên Quang (LPBank Tuyên Quang) bị ngập tầng 1 và ngập Phòng giao dịch thành phố, đoạn ngã 3 giao thông. Hệ thống đường truyền bị tê liệt hoàn toàn, điểm giao dịch không thể hoạt động. Các cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng do ngập lụt. Ông Vũ Giang Nam, Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Đơn vị đã cố gắng khắc phục tại trụ sở chính và hoạt động tạm thời từ ngày 12 - 9, còn tại Phòng giao dịch thành phố dự kiến hoạt động vào thứ 2, ngày 16 -9”.

Các ngân hàng còn lại như: HDBank Tuyên Quang, hệ thống điện tại tòa nhà gặp sự cố vẫn chưa khắc phục được. Đường truyền, máy phát điện đặt tại tầng hầm bị hư hỏng. Ngân hàng đã phải nhờ trợ giúp từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật của hội sở lên khắc phục, dự kiến đến thứ 2, ngày 16 - 9 sẽ hoạt động trở lại; Vietcombank Tuyên Quang đã kịp di chuyển tiền, tài sản quý và hồ sơ lên tầng 2 nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại về cơ sở vật chất, hệ thống ATM trước cửa trụ sở. Còn ngân hàng Agribank tỉnh theo thống kê sơ bộ có trụ sở chính và 3 phòng giao dịch bị ngập nước... đến ngày 13 - 9, chi nhánh đã kịp thời khắc phục và hoạt động trở lại.

Ngày 12-9, ngay sau khi nước rút, LPBank Tuyên Quang đã tập trung dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đảm bảo an toàn kho quỹ

Nhằm đảm bảo an toàn tài sản và kho quỹ, ngay trước và trong khi bão lũ xảy ra, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các phương án phòng chống ngập lụt, sạt lở, đảm bảo an toàn trụ sở và kho tiền. Đồng thời bố trí lực lượng nhân viên trực 24/24h để kiểm soát tình hình, di dời tài sản quý và giấy tờ quan trọng lên cao, hạn chế tối đa thiệt hại.

Về vấn đề khôi phục hoạt động giao dịch, đảm bảo sự liên tục trong cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân, các ngân hàng tại Tuyên Quang đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khôi phục như sửa chữa hệ thống ATM và thiết bị điện ngay khi nước rút, đồng thời lên kế hoạch thay thế các thiết bị hỏng hóc để sớm đưa vào vận hành trở lại.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đề nghị các ngân hàng thương mại đánh giá thiệt hại chi tiết, rút kinh nghiệm từ đợt thiên tai lần này để xây dựng các kịch bản phòng chống thiên tai hiệu quả hơn trong tương lai. Đặc biệt, cần chú trọng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư hệ thống chống ngập lụt tại các chi nhánh ngân hàng nằm ở vùng trũng hoặc dễ bị ảnh hưởng.

Ngày 12-9, ngay sau khi nước rút, LPBank Tuyên Quang đã tập trung dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ lụt.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện rà soát và có những biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các khu vực bị ảnh hưởng; đề xuất các ngân hàng tăng cường các biện pháp giãn nợ, khoanh nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. Đồng thời ngành Ngân hàng cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quá trình khắc phục thiệt hại.

Hậu quả từ cơn bão số 3 đã để lại nhiều tổn thất to lớn cho ngành Ngân hàng tại Tuyên Quang, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các biện pháp khắc phục nhanh chóng đã được triển khai để ổn định tình hình. Việc hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp địa phương cũng đang được chú trọng, góp phần giúp Tuyên Quang phục hồi sau thiên tai và nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục