Quang cảnh Hội nghị.
Ngày 21/12, Tổng Cục Thuế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2024.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, ngành thuế triển khai nhiệm vụ, công tác thuế trong tình hình kinh tế-chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết quốc gia và khu vực trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI sụt giảm, không ít doanh nghiệp rơi vào thế bị động, hàng ngàn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây cũng là năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, thực tế đất nước đòi hỏi các cấp các ngành tập trung cao độ để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục Thuế đã triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022. Toàn ngành thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế.
Những nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách luôn được ngành thuế nỗ lực, quyết tâm thực hiện xuyên suốt trong năm, cho tới nay, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý năm 2023 đã hoàn thành dự toán pháp lệnh: tính đến ngày 20/12 ngành đã thu được 1.396.430 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 1.336.487 tỷ đồng, đạt 100,4% so dự toán. Còn 10 ngày cuối năm, toàn ngành thuế vẫn đang nỗ lực triển khai thực hiện thu quyết liệt. Theo đó ước thực hiện cả năm năm 2023, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 5,5% dự toán; 16/20 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán; 8/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ.
Phát biểu tại hội nghị toàn ngành, Tổng Cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, với kết quả này, Tổng cục Thuế tiếp tục khẳng định và nối dài thành tích liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Theo đó, toàn ngành chủ động xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030 góp phần tích cực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cải cách thủ tục hành chính, phù hợp chủ trương về cải cách hành chính của Quốc hội, Chính phủ, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hệ thống pháp luật minh bạch cũng bảo đảm chính sách rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế và hiện đại hoá quản lý thuế.
Bên cạnh đó, việc triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh đã đạt kết quả tốt đẹp, tạo dựng và thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh phục hồi và phát triển.
Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là 165.026 tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn là 106.946 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm là 58.080 tỷ đồng. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng Cục trưởng Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị.
Tổng Cục trưởng Mai Xuân Thành cũng khẳng định, toàn ngành đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ thực hiện chức năng quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra thuế tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao, có khả năng thất thu: như bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử.
Đồng thời áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro và ban hành Quy trình kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế, ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế. Kết quả, năm 2023, toàn ngành thuế đã thực hiện được 66.241 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 90,8% kế hoạch năm 2023. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 61.583 tỷ đồng bằng 97,2% so cùng kỳ năm 2022; thu hồi được 41.557 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 37.605 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.952 tỷ đồng.
Năm 2023, việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử và công tác kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử đã đáp ứng công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách. Với việc áp dụng hệ thống Hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đến nay, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý đạt gần 6,1 tỷ hóa đơn, trong đó 1,7 tỷ hóa đơn có mã; hơn 4,4 tỷ hóa đơn không mã.
Đồng thời, ngành thuế triển khai mở rộng chương trình hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với kết quả hơn 38,5 nghìn cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã tiếp nhận là trên 84,2 triệu hóa đơn.
Đáng lưu ý, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính về công tác triển khai hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Kết quả đến nay đã có trên 2.700 cửa hàng xăng dầu Petrolimex thực hiện phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng.
Năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực ASEAN trong việc thu thuế qua cổng Thông tin điện tử đối với nhà cung cấp nước ngoài xuyên biên giới. Đến nay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế các nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Đối với Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế, đến nay cũng đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin… Đồng thời, đến nay cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành thuế đã triển khai các ứng dụng bản đồ số như: bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, bản đồ số các mỏ khoáng sản, bản đồ số hộ kinh doanh. Trong đó, bản đồ số hộ kinh doanh đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên ứng dụng Etax Mobile giúp cho cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của người dân và giữa các hộ kinh doanh với nhau, tạo công bằng, minh bạch.
Năm 2024, phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2023, toàn ngành Thuế tiếp tục nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, cùng chung sức đồng lòng triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác thuế năm 2024. Toàn ngành tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội giao là 1.486.413 tỷ đồng; tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Gửi phản hồi
In bài viết