Nỗ lực kiềm chế “bà hỏa”
Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 5.900 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, trong đó có gần 400 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. Điều này cho thấy, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu các cơ sở không có biện pháp phòng cháy hiệu quả. Cùng với đó, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn tại nhà dân, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Công an Tuyên Quang định kỳ tổ chức hiệu quả chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thu hút hàng chục nghìn người dân, học sinh, sinh viên tham gia.
Trước tình hình đó, Tuyên Quang luôn xác định công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT). Tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả giải pháp bảo đảm an toàn PCCC. Cụ thể, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ sở và người dân. Lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ đã được quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng dân phòng PCCC ở cơ sở và chuyên ngành trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn… giúp kiềm chế, làm giảm số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy gây thiệt hại khoảng 1 tỷ 250 triệu đồng, may mắn không có thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy do vi phạm quy định trong quá trình xuất nhập xăng dầu khiến cháy xe chở xăng bốc cháy, rồi lan vào 3 cột bơm xăng tại địa bàn xã Bình Xa (Hàm Yên). So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy giảm 1 vụ, thiệt hại về tài sản giảm khoảng 500 triệu đồng. Những năm gần đây, Tuyên Quang không để xảy ra các vụ cháy lớn, không gây hậu quả nghiêm trọng.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Từ đầu năm 2024 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 10 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 1-7-2024 về Quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT; mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh.
Trong xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, Công an toàn tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho trên 130.000 lượt người; tuyên truyền, vận động được trên 90% số hộ dân tự trang bị bình chữa cháy. Định kỳ hàng quý, Công an cấp tỉnh, huyện, xã đều tổ chức chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thu hút hàng chục nghìn người dân, học sinh, sinh viên tham gia.
Cùng đó, toàn tỉnh đã thành lập, duy trì 332 Tổ liên gia an toàn PCCC và 37 điểm chữa cháy công cộng; duy trì 1.731 đội dân phòng tại 100% số thôn, bản, tổ phố. Toàn tỉnh cũng đang duy trì hoạt động của 1.688 tổ, đội PCCC cơ sở và 3 đội PCCC chuyên ngành với gần 10.100 người tham gia. Lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC theo quy định. Đây chính là “cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng trong công tác PCCC ở cơ sở.
Anh Hà Văn Tùng, thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, với phương châm “phòng hơn chữa” gia đình anh chủ động mua bình cứu hỏa xách tay, kìm cộng lực và tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, huấn luyện và hội thi về PCCC. Anh cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các thành viên gia đình chấp hành nghiêm quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, xử lý sự cố ban đầu khi không may xảy ra cháy nổ.
Để công tác PCCC đạt hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng mỗi người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác PCCC, giúp giảm thiểu nguy cơ, thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết