Trình diễn kỹ thuật làm nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân.
Sáng 25/4, tại đình Kim Ngân (số 42-44, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức Tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội”.
Nghề kim hoàn là một trong nghề lâu đời, thuộc nhóm nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đem lại giá trị kinh tế lớn của Thăng Long-Hà Nội. Từ thế kỷ 16, những người làng Châu Khê (Hải Dương) đã lên Thăng Long để lập nghiệp, làm nên phố Hàng Bạc. Thợ kim hoàn từ các nơi khác cũng đến đây để sản xuất, kinh doanh đồ kim hoàn. Sau này, phố Hàng Bạc phát triển trở thành trung tâm buôn bán vàng bạc lớn của cả nước.
Hà Nội còn có làng Định Công (nay thuộc quận Hoàng Mai) là nơi có nghề đậu bạc nổi tiếng.
Ngoài ra, Hà Nội còn nhiều làng nghề kim hoàn, kim khí có giá trị văn hóa khác như: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Tây Hồ), nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)…
Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, đồng thời, Hà Nội cũng tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, việc phát triển nghề kim hoàn không chỉ là bảo tồn một di sản truyền thống mà còn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ để phát triển công nghiệp văn hóa.
Song, thực tế hiện nay, nghề kim hoàn tại Hà Nội còn gặp không ít khó khăn. Phố Hàng Bạc hiện chủ yếu là nơi kinh doanh vàng bạc và sản phẩm kim hoàn, việc sản xuất ngày càng hạn chế. Làng Định Công hiện chỉ còn một số ít hộ gia đình làm nghề; nghề bạc Định Công có kỹ thuật rất độc đáo nhưng chưa được nhiều người biết đến. Các nghệ nhân thường khéo tay nghề, nhưng yếu về khả năng thiết kế, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường…
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, nghệ nhân đã khẳng định giá trị của nghề kim hoàn trong dòng chảy văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Đặc biệt, nhiều chuyên gia đã cho ý kiến về vấn đề phát triển nghề kim hoàn trong xu thế xã hội hiện nay, trong thích ứng với yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đối với lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ như: gắn kết di sản nghề kim hoàn với đào tạo về thiết kế, trang sức trong trường đại học; phát triển nghề kim hoàn cộng hưởng với nghề gốm sứ, đúc đồng; gắn kết làng nghề, phố nghề; thành lập bảo tàng về nghề truyền thống trong phố cổ.
Gửi phản hồi
In bài viết