Những người vác tù và
Nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Cầu, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) năm nay 77 tuổi. Đam mê hát Sình ca, múa trống sành, múa xúc tép, chim gâu, múa cầu mùa, múa còn... dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ở đâu có tiếng trống tiếng nhạc, ở đâu có lời mời hát giao duyên, đối đáp, ông Cầu lại cùng đội văn nghệ ở thôn lên đường.
Nghệ nhân ưu tú Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) truyền dạy hát Then cho người dân. Ảnh: Quang hòa
Biết hát Sình ca từ những ngày thơ bé, nhưng mãi đến năm 2000, khi một lần được nghe điệu Sình ca bài bản của một nghệ nhân ở Sơn Dương cất lên từ chiếc đài cát - sét quen thuộc, ông Cầu mới như “sực nhớ” ra nguồn cội. Lục tìm những cuốn sách cổ của cha mình, dịch lời những làn điệu Sình ca truyền thống, ông kêu gọi các ông, các bà trong làng ai còn yêu, còn muốn giữ làn điệu của dân tộc mình thì tối tối ra nhà văn hóa cùng ông học lại. Từ những lớp học tự phát, ông Cầu mở thành các lớp học chuyên nghiệp, độ tuổi học viên cũng giảm dần từ U60 xuống lớp người trẻ hơn. Hát Sình ca, rồi múa trống sành, múa xúc tép, chim gâu... cái đam mê văn nghệ ấy cứ thôi thúc ông “vác tù và hàng tổng”. Chẳng ai ép, chẳng ai bắt mình phải làm, chỉ vì thứ tình yêu sâu đậm với văn hóa dân tộc mình, mà ông thấy đấy như là việc bắt buộc phải làm.
Năm 2017, ông Lâm Văn Cầu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, cùng với 6 nghệ nhân của tỉnh. Ngoài khoản tiền hỗ trợ ban đầu, tương đương với 10 tháng lương, từ khi được phong Nghệ nhân ưu tú đến giờ, những nghệ nhân như ông Lâm Văn Cầu không được hưởng thêm bất cứ hỗ trợ nào.
Năm 2019, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vinh dự được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở Tuyên Quang, di sản này được lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy tốt, hiệu quả nhờ công lớn của những nghệ nhân dân gian. Mỗi địa phương, đều có ít nhất một nghệ nhân có công sưu tầm, lưu giữ, ghi chép lại những làn điệu Then cổ và say sưa truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân nhân dân Hà Văn Thuấn ở xã Tân An (Chiêm Hóa) năm nay ngoài 80 tuổi nhưng tuần nào cũng dành 2 - 3 buổi truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính cho các thế hệ trong huyện và các vùng lân cận. Hầu hết các buổi truyền dạy không có kinh phí. Ông bảo, di sản của cha ông thì mình có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ, trình diễn cho đến lúc nào yếu, mất thì thôi. Nếu cứ tính được trả bao nhiêu mới hát, mới đàn thì không riêng gì ông mà hầu hết các nghệ nhân hát then đàn tính trên địa bàn tỉnh đã bỏ từ lâu rồi.
Bất cập chuyện hỗ trợ
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, trong đó có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Trong số này, có 4 nghệ nhân của người Tày, 3 nghệ nhân người Cao Lan, còn lại là các nghệ nhân người Dao đỏ, người Dao tiền và Sán dìu.
Theo Nghị định 109 của Chính phủ, thì những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận mức hỗ trợ từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng tùy từng hoàn cảnh. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, qua rà soát tại các địa phương, 10 nghệ nhân được phong danh hiệu của tỉnh đều không ai nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định này.
Nghệ nhân ưu tú Tiêu Sơn Học bên cuốn sách cổ 200 năm tuổi.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, hầu hết các nghệ nhân đều đã ở tuổi ngoài 70. Trong số này, chỉ một số ít nghệ nhân là cán bộ nghỉ hưu, có lương hưu ổn định, còn lại đều là những người làm nghề tự do.
Nhiều nghệ nhân cho rằng, việc phân loại đối tượng nghệ nhân được hưởng trợ cấp theo Nghị định 109 là không phù hợp và nên có sự điều chỉnh. Nghệ nhân ưu tú Tiêu Sơn Học, thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình cho rằng: khi đã xem các nghệ nhân dân gian là những hạt nhân cốt lõi của văn hóa truyền thống, nhà nước cần tạo điều kiện để lan tỏa các giá trị cao đẹp đó vào cộng đồng bằng cách đem đến cho họ môi trường thuận lợi để họ đóng góp vào đời sống, trao truyền lại cho thế hệ trẻ. Trên thực tế, những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp... thì việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân gian sẽ có hạn chế. Trong khi các nghệ nhân dân gian được phong danh hiệu đều ở tuổi xưa nay hiếm, thì việc hỗ trợ cần phải thiết thực hơn và khẩn trương hơn. Ông Học minh chứng, ví dụ như chuyện khám chữa bệnh, thăm hỏi ngày lễ tết. “Chúng tôi giữ nghề trong sáng, không màng vật chất cả nửa đời người, nên chăng cũng cần được quan tâm, thăm hỏi để bớt tủi thân với học trò mình”.
Không chỉ chính sách hỗ trợ với nghệ nhân, mà ngay cả thế hệ trẻ chịu đi học, chịu tiếp thu cũng cần có chính sách động viên. Nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Cầu cho biết, ngày còn trẻ khỏe, ngoài dạy hát dạy múa dạy chữ, mình còn làm thêm việc này việc kia kiếm thêm đồng ra đồng vào. Giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, việc tìm kiếm lớp người kế cận cũng không còn dễ dàng như trước nữa. Giá như Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì với các nghệ nhân và với cả những người muốn theo học văn hóa dân tộc, để phần nào giảm bớt gánh nặng với cơm áo gạo tiền... thì việc bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy văn hóa dân gian sẽ thực chất và có hiệu quả hơn.
Nghệ nhân dân gian là những người có tài năng đặc biệt, họ tự đào tạo mình để cống hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi nghệ nhân dân gian được ví như bảo tàng sống, di sản sống, là người truyền lửa văn hóa dân gian. Chính vì vậy, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp, đúng lúc... để ngọn lửa này tiếp tục được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gửi phản hồi
In bài viết