Từ cầm tuốc nơ vít sang cầm xi lanh
Khởi đầu anh Ngọc là thợ sửa chữa ô tô rồi lấn sân sang mảng điện dân dụng, chuyên đi lắp đặt các công trình ở xa. Mãi đến năm 2012, sau khi lập gia đình và chuyển sang nghề chăn nuôi.
Được đi nhiều nên anh hiểu Năng Khả là vùng đất đầy triển vọng. Vậy nên, năm 2013, vợ chồng anh bắt đầu lập nghiệp tại thôn Nà Khá. Nơi này nghèo thật, bởi người dân sản xuất còn manh mún, chưa có đầu ra. Anh loay hoay mãi trong việc chọn nghề và cơ duyên đã đến. Một lần, anh gặp tốp thương lái người Vĩnh Phúc mang gà con lên đây bán, anh tự hỏi, tại sao mình không tự làm được điều này? Điều đó cứ trăn trở trong anh để rồi quyết định bỏ nghề điện chuyển sang nghề chăn nuôi gà.
Anh đầu tư gần 30 triệu đồng làm chuồng úm, mua gà con vài ngày tuổi về nuôi, tự học tiêm phòng qua sách, báo và ti vi, bởi ngày đó ở đây chưa có internet. Chỉ khi gà đạt đủ các mũi vắc-xin, anh mới bán cho bà con. Nhờ cái tâm với công việc và cách bán hàng luôn tận tình mà khắp thôn xa, thôn gần đều dần tìm đến anh mua gà giống.
Đàn gà bố mẹ được anh Ngọc chăm sóc hoàn toàn tự nhiên.
Năm 2015, anh đầu tư 150 triệu đồng mua máy ấp quy mô 5.000 quả trứng, sửa sang chuồng trại, nuôi 1.500 con gà bố mẹ để có nguồn trứng ấp. Do nắm vững kỹ thuật và nguồn thức ăn đảm bảo nên đàn gà bố mẹ và gà con đều lớn nhanh, gà con ấp nuôi úm độc lập, tiêm vắc-xin đầy đủ, cơ sở của gia đình luôn trong tình trạng cháy hàng. Anh kể, năm 2016 mình mua thêm 1 chiếc máy công suất 12.000 trứng mới đủ cung cấp nhu cầu cho bà con.
Có được thành công đó nhưng anh cũng từng “thấm đòn” rồi. Ấy là năm 2014, sau khi mua 1.000 con gà con, nhưng đàn gà không được chích phòng ngay khi nở, sau 1 tháng gà chết còn chưa đầy 10 con, số tiền mua gà 16 triệu đồng, tiền thức ăn hết gần 70 triệu đồng, hơn 1 năm tích góp coi như công không. Nghĩ mà nản quá, nhưng làm chí trai thì không được bỏ cuộc, thế nên anh lại tiếp tục đứng dậy. Anh tìm hiểu và phát hiện gà bị mắc bệnh hội chứng gây teo chân, bài học rút ra với anh là chủ động nguồn giống, nguồn giống an toàn là yếu tố quyết định đến việc chăn nuôi thành công hay thất bại. - Anh Ngọc bộc bạch.
Anh Phan Thanh Ngọc chăm sóc đàn gà của gia đình.
Chấp nhận “nắm đằng lưỡi”
Với lợi thế đất đai rộng lớn, nhiều đồi núi, gà được thả rông sẽ cho chất lượng thịt cực ngon và được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó việc liên kết sản xuất phải được đặt ra. Anh quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thanh niên Năng Khả, do anh làm giám đốc để liên kết những thanh niên cùng sở thích làm ăn hiệu quả hơn.
Toàn xã Năng Khả có 14 thôn thì nơi nào cũng đều in bước chân anh đi vận động. Chỗ nào anh cũng biết, hiểu tường tận từng hộ, hộ nào biết cách làm, nhiệt huyết để đặt niềm tin đúng chỗ. Tuy nhiên, do chủ yếu là người nghèo, để họ bỏ tiền đầu tư là điều vô cùng khó.
Anh Ngọc đã thành lập các nhóm liên kết tại các thôn, cho người dân được tự do đăng ký nuôi, nhưng tối thiểu phải từ 50 con trở lên, HTX sẽ đứng ra cung cấp 1 phần cám, thuốc thú y và toàn bộ con giống, bao tiêu sản phẩm. Người dân có thể bán cho người khác có giá thu mua cao hơn HTX, anh Ngọc không cản để giải tỏa sự ràng buộc về lợi ích cho họ. Anh chấp nhận “nắm đằng lưỡi” nên mô hình nuôi gà liên kết cũng tăng theo cấp số nhân và được nhiều nơi biết đến.
Những lứa gà cho các hộ dân liên kết chăn nuôi luôn được anh Ngọc tuyển chọn kỹ lưỡng.
Chỉ tính riêng xã Năng Khả đã có khoảng trên 200 hộ dân liên kết nuôi gà với HTX, chưa tính các xã lân cận. Nà Khá là thôn có nhiều hộ nuôi gà liên kết nhất với trên 40 hộ, chiếm một nửa tổng số hộ dân toàn thôn. Bà Lương Thị Linh, Trưởng thôn chia sẻ, đây là mô hình hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân. Nuôi gà đồi thịt ngon, đó là lợi thế lớn của anh Ngọc. Là thành viên HTX, chị La Ánh Nguyệt cho biết thêm: Nhờ sự quyết tâm mà đến nay thương hiệu “Gà đồi Năng Khả” đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cá nhân chị và nhiều thành viên hoàn toàn tin tưởng vào hướng đi và cách làm trong xây dựng thương hiệu.
Năm 2022, doanh thu của HTX đạt 1,9 tỷ đồng nhưng đây là con số quá nhỏ so với tiềm năng phát triển. Anh Ngọc cho biết, có nhiều đơn vị đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm của HTX nhưng anh không nhận, vì theo anh, sản xuất tràn lan thì còn gì là đặc sản nữa. Sản phẩm gà đồi của anh đã được công nhận OCOP và vươn ra thị trường Hà Nội, Quảng Ninh. Nhu cầu của khách còn lớn nhưng khả năng của mình chưa đáp ứng, cứ làm từng bước để giữ thương hiệu, không vì lợi ích mà làm mất giá trị của mình. Anh luôn tâm niệm như thế.
Gửi phản hồi
In bài viết