Chợ truyền thống thời công nghệ 4.0

- Đến chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang), vào khung giờ “vàng” mua bán của ngày cuối tuần, thay vì tư vấn quần, áo, giày dép... cho khách hàng thì người bán hàng lại rủ nhau tập thể dục, nhảy Earobic cho đỡ buồn chân tay. Sức mua ngày càng kém, hơn nửa sạp hàng đóng cửa im lìm, nhiều tiểu thương buôn bán lâu năm cũng phải chấp nhận nghỉ. Không nằm ngoài tình trạng đó, một số khu chợ truyền thống tại TP Tuyên Quang, thị trấn các huyện cũng chịu cảnh đìu hiu.

Trăm người bán, vài người mua

Chị Trần Thị Bình - một tiểu thương bán quần áo trẻ em ở chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) được hơn 15 năm nay. Chị bảo, trước đây cứ vài ngày chị nhập hàng về 1 lần thế nhưng bây giờ thì thi thoảng mới nhập được hàng mới về. Từ vài năm trở lại đây, khách hàng đến chợ tìm mua cũng giảm sút đi rất nhiều. Nhiều lúc ngồi bán hàng không có khách chị phải giải khuây bằng cách đi bộ thể dục 1 vòng quanh khu chợ.

Bà Hoàng Thị Tính là người buôn bán lâu năm nhất nhì khu chợ Tam Cờ. Bà chia sẻ, giá thuê mỗi sạp 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi mấy năm về trước không có chỗ mà thuê. Tuổi cao, buôn bán chậm nên bà Tính chưa biết xoay xở thế nào khi hàng trong sạp vẫn còn nhiều. Bà bảo, cứ  túc tắc bán, hy vọng có đồng ra đồng vào. Nếu mà nghỉ hẳn chợ búa thì buồn và nhớ nghề lắm.
Khu chợ Tam Cờ hiện có hơn 60 sạp hàng, trong đó chỉ  31 sạp còn hoạt động cầm chừng. Nhiều tiểu thương vẫn nói vui là: “Có khi người bán còn đông hơn khách đấy!”.

Tại Khu chợ Chiêm Hóa, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) lượng mua sắm sụt giảm so với những năm trước đây. Dạo vòng quanh chợ giờ cao điểm, tầm 10 - 11 giờ sáng ngày cuối tuần,  những dãy hàng quần áo, giày dép, đồ chơi, hóa mỹ phẩm... thưa vắng người. Thỉnh thoảng chỉ có vài ba người đến xem rồi đi, còn lại các tiểu thương ngồi buồn lướt mạng xã hội, hay tụm lại chuyện trò.

Chị Lầu Nguyệt Trang, tiểu thương ở Chợ Chiêm Hóa bán hàng online.

Nhiều năm buôn bán trong chợ, chị Lầu Nguyệt Trang chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm. Chị Trang kể: “Hơn 10 năm trước, chợ Chiêm Hóa đông đúc, tấp nập, ngày cuối tuần là khách mua sắm rất đông. Tôi phải thuê thêm người phụ bán mà không ngơi tay. Bây giờ thì thưa vắng hẳn, chỉ hy vọng vào dịp lễ hội đầu năm, bà con ở các xã đi chơi rồi tiện đường vào chợ để ngắm đồ, ưng ý thì mua nhưng lượng mua cầm chừng lắm”.

Lý giải cho tình trạng này, nhiều tiểu thương nhận định, bây giờ chợ truyền thống khó cạnh tranh với kênh bán hàng online, không cần thuê mặt bằng, thậm chí không cần nộp thuế, phí, mà vẫn giao hàng tận nhà với giá thấp. Chị Hà Thị Nguyệt Dung, tiểu thương chợ Tam Cờ chia sẻ, mấy năm đại dịch vừa qua hoạt động kinh doanh online ngày càng nhanh hơn. Chợ cũng ngày càng “đói” khách khi nhiều siêu thị lớn, nhỏ mọc khiến việc kinh doanh trong chợ truyền thống càng khó khăn hơn. Hình như những người trẻ ngày càng ít đi chợ bởi điện thoại thì họ cầm suốt ngày, lướt facebook, zalo là có nhiều mặt hàng chọn lựa, muốn mua là đặt online ship tới tận nhà.

“Thay áo mới” để thích ứng

Chợ truyền thống dường như đã trở thành một nét văn hóa rất riêng. Chợ có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Chợ là nơi lưu thông hàng hóa, sự phát triển của chợ cũng được coi là yếu tố phản ánh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên thực trạng chợ truyền thống ế ẩm là câu chuyện được báo chí, mạng xã hội đề cập đến nhiều trong thời gian qua. Đây là tình hình chung mà nhiều khu chợ trong cả nước phải đối mặt trước sự phát triển của nhiều loại hình kinh doanh. Trong đó chủ yếu là kinh doanh online trong thời đại công nghệ 4.0.

Để tồn tại, chợ truyền thống cần có sự chuyển mình toàn diện hơn để nâng cao sức cạnh tranh. Các tiểu thương cũng phải thay đổi hình thức kinh doanh, thay vì  mua bán trực tiếp truyền thống thì cần kết hợp hình thức bán hàng trực tuyến. Trên thực tế nhiều tiểu thương cũng đã chủ động lên mạng livestream, đăng bài bán hàng.

Các tiểu thương được khuyến khích tham gia bán hàng không dùng tiền mặt (trong ảnh: nhân viên Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Chi nhánh Tuyên Quang trao thưởng cho các tiểu thương Chợ Tam Cờ có nhiều giao dịch không dùng tiền mặt).

Chị Ma Yến Linh, tiểu thương bán vải ở chợ Tam Cờ là người tích cực bán hàng trên mạng xã hội. Chị chia sẻ: “Mình không thể chờ người khác giúp mình được mà mình phải tự vận động. Thời thế thay đổi thì mình phải thay đổi thôi. Mình chụp ảnh đăng bài hàng ngày để bán. Lúc rảnh mình livestream, mở các chương trình khuyến mãi để hút khách”.

Còn chị Lầu Thị Nguyệt Trang, tiểu thương bán giày dép ở chợ Chiêm Hóa cũng có cách làm riêng để tìm khách hàng cho mình. Chị chia sẻ, mình nhập hàng lần nào đều quay video, chụp ảnh mẫu mã mới. Đầu tư hình ảnh đẹp, bắt mắt, giá cả hấp dẫn, kèm theo một vài status hay ho tý là khách hàng thích ngay, đặc biệt là các bạn trẻ. Ngoài ra, chị Trang biết quay video, ghép nhạc, bắt “trend” để đăng lên mạng Facebook, Tiktok cũng thu hút nhiều khách hàng tìm đến.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý chợ Tam Cờ chia sẻ, để bắt nhịp với xu hướng thời đại, Ban Quản lý cũng đã phối hợp Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Chi nhánh Tuyên Quang tổ chức triển khai mô hình chợ 4.0,  hỗ trợ các tiểu thương thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số. Hiện nay đa số các tiểu thương đều có tài khoản, mã QR. Đây là cách làm để kích cầu mua sắm, phù hợp với thời đại.

Theo ông Sơn, việc cần làm bây giờ là hiện đại hóa chợ truyền thống hơn nữa, nếu không sẽ rất khó để phục hồi, phát triển. Nghĩa là cần chuyển đổi công năng, phải chuyên nghiệp hóa chợ truyền thống, từ chỗ gửi xe tới chỗ đi vào chợ, cải tiến giống như các siêu thị, làm sao chợ cũng mát mẻ, tiện lợi, bán hàng văn minh.

Không thể đảo ngược thời thế, “đổi mới” là cách duy nhất để đảm bảo chợ truyền thống vẫn tồn tại và phát triển. Do đó cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và bản thân nỗ lực thay đổi tư duy kinh doanh từ chính các tiểu thương để tạo nên sức sống mới cho chợ truyền thống.
 

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục