8 năm đắm chìm trong ma túy
Anh Quân sinh năm 1967, là con út trong gia đình có 6 anh chị em trong một gia đình thuần nông. Năm 1989, Quân đi đào vàng, mong sớm được đổi đời. Để tồn tại ở bãi vàng, Quân phải trải qua biết bao trận đòn, trận cướp trắng tay. Không cam chịu, anh tập hợp một số anh em tin cậy, thành lập một nhóm đào vàng do anh làm chủ bưởng. Lì lợm, liều lĩnh nên anh sớm chiếm lĩnh “riêng một cõi” ở vùng vàng Chiêm Hóa.
Anh Nguyễn Đức Quân.
Tiền kiếm dễ, được nhiều, trong khi ở bãi vàng, thuốc phiện hút như thuốc lào. Ban đầu Quân chỉ thử để biết, sau mắc nghiện lúc nào không hay. Cứ như vậy, cuộc đời anh chìm đắm khói đèn 8 năm trời. Sau khi các bãi vàng đóng cửa, anh về làm thợ xây. Nhưng tiền làm bao nhiêu cũng không đủ nuôi cái tẩu thuốc bằng ngón tay. Có lần tránh công an, anh phải trốn vào tận rừng sâu, núi thẳm. Thậm chí, vào nghĩa trang hút. “Hút ở đấy mới tránh được công an” - anh Quân kể.
Bao tài sản tích cóp được của gia đình lần lượt đội nón ra đi. Đến bộ bàn ghế uống nước cũng bị Quân bán lấy tiền mua thuốc. Vợ con, anh em, làng xóm khuyên can, Quân đều bỏ ngoài tai. Đã hai lần gia đình đưa Quân về tận Ba Vì (Hà Nội) là quê vợ để cai nghiện, nhưng đều bất thành. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Quyên chán nản, ôm con bỏ về quê ngoại.
Ánh mắt thoáng buồn, nhìn xa xăm, anh Quân kể: “Sau một đêm đi hút về, nằm một mình trong căn nhà trống hoác, không gia đình, bạn bè, không một xu dính túi... Tôi nhận ra mình đã trắng tay. Từ đó, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời”.
Anh Nguyễn Đức Quân tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường để kinh doanh.
Sáng hôm sau, Quân quyết định lên thị trấn nộp đơn xin cai nghiện trước sự hoài nghi của mọi người. Sau 1 tháng, anh xin vào cai nghiện ở công trường 06 của huyện. Tại đây, anh nỗ lực lao động, tích cực cai nghiện theo chương trình của trại. Kết quả là tháng nào anh cũng được cán bộ của trại tuyên dương cá nhân điển hình. Một năm sau, anh hoàn thành cai nghiện.
Hành trình hái quả ngọt
Anh Quân chia sẻ: “Khi cai nghiện trở về, lúc đó trắng tay, tự tôi đi xin làm phụ hồ, khi lĩnh tháng lương đầu tiên năm 1997, tôi về quê vợ đón vợ con lên và từ đó làm lại từ đầu”.
Vợ chồng anh lao vào làm lụng kiếm sống. Chồng làm cai xây dựng, vợ nấu rượu, chăn lợn, tráng bánh cuốn. “Thời gian đấy khó lắm. Nhà thì túng, bạn “đồng môn” thì liên tục rủ rê. Có ngày, bạn nghiện cho con lên mời tôi đến nhà nhờ chút việc, nhưng thực tế là tụ tập hút ma túy. Tôi biết và đều từ chối khéo, để tránh xa. Thèm lắm. Nhưng, đây là cuộc chiến sống còn với nó” - anh Quân chia sẻ.
2 vợ chồng tu chí làm ăn, gom góp mua được ti vi cùng các vật dụng gia đình. Năm 1999, khi thủy điện Tuyên Quang xây dựng, vợ chồng anh bắt đầu bán cơm “bụi”. Đông khách, thu nhập cũng khá hơn, vừa bán hàng cơm vừa kết hợp chăn nuôi, mỗi năm cũng thu được 15 đến 20 triệu đồng.
Năm 2007, anh nghỉ hẳn nghề xây, mạnh dạn vay 100 triệu đồng của ngân hàng mua chiếc xe ô tô 8 chỗ để chạy dịch vụ. Số tiền ngân hàng, 1 năm sau anh đã trả hết. Hơn 10 năm lăn lộn nghề dịch vụ xe ô tô, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh xe thất thu cộng thêm sức khỏe giảm sút, vợ chồng anh quyết định bán xe chuyển sang kinh doanh hàng tạp hóa.
Anh Nguyễn Đức Quân giới thiệu hàng hóa cho khách.
Anh Quân chia sẻ: “Khi mới trở về địa phương từ trung tâm cai nghiện thì người đầu tiên đến nhà tôi động viên, vận động tôi không tái nghiện, đi làm lại là ông Đỗ Viết Thành, Bí thư Chi bộ tổ dân phố. Lúc đó tôi rất xúc động và càng quyết tâm từ bỏ ma túy. Thêm vào đó, sự động viên, tin tưởng của vợ con đã giúp tôi xua đi mặc cảm, quyết tâm làm lại”. Với nỗ lực hoàn lương, một năm sau, anh Quân đã lấy lại được lòng tin của mọi người, được bà con trong tổ tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố và hiện nay anh đang là công an viên tổ dân phố.
Tay cầm chén nước, chậm rãi nhấp từng ngụm, anh Quân bồi hồi: “Khi được bầu làm tổ trưởng nhân dân, tôi tự viết cam kết trước 108 hộ dân làm tốt mọi trách nhiệm được giao, không tái nghiện. Hồi đó, quê tôi đang là điểm nóng về an ninh trật tự, tệ nạn nghiện hút, cờ bạc. Tôi đã tự nhủ mình phải thay đổi suy nghĩ của họ, giúp họ tránh xa các tệ nạn để trở thành người lương thiện. Vì tôi đã từng có thời gian nghiện nên dễ tiếp cận và chia sẻ được với các đối tượng nghiện. Từ đó, tôi vận động các đối tượng đi cai nghiện, từ bỏ cờ bạc, phấn đấu trở thành người có ích”. Không chỉ là một công an viên mẫn cán, tích cực phối hợp cùng đồng đội thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh cơ sở, anh Quân còn nhận làm bảo vệ một số cơ quan, phụ giúp vợ bán hàng kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Với những việc làm của mình, năm 2002, anh Nguyễn Đức Quân được cấp ủy địa phương kết nạp vào Đảng, nhiều năm liền được cử đi báo cáo điển hình về cai nghiện ma túy tại các Hội nghị tổng kết về ma túy của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, năm 2022, anh Nguyễn Đức Quân đã được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen công an viên tổ dân phố có thành tích tiêu biểu, xuất sắc nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Trung tá Hoàng Ba, Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Lộc chia sẻ: “Đồng chí Nguyễn Đức Quân là một cán bộ công an tổ dân phố nhiệt tình, tâm huyết với công việc, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giúp công an thị trấn quản lý địa bàn tổ dân phố đảm bảo an ninh trật tự. Hàng năm, đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhiều cấp khen thưởng”.
Niềm hạnh phúc nhất của anh Quân sau bao năm vấp ngã, làm lại cuộc đời là có người vợ hiền đồng cam cộng khổ cùng 2 đứa con chăm ngoan. Con trai lớn của anh đã tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, hiện đang công tác tại Công an thị trấn; con gái út học Đại học Sư phạm và hiện đang định cư tại nước ngoài.
Một hành trình dài vượt lên chính mình, anh Quân nghiệm ra: “Không ai có thể cứu mình bằng tự mình cứu lấy mình. Sự kiên trì và quyết tâm sẽ chiến thắng tất cả”. Đó cũng chính là thông điệp anh Quân muốn gửi gắm đến mọi người.
Gửi phản hồi
In bài viết