“Tấc đất, tấc vàng” cũng sẵn sàng hiến
Chúng tôi về thôn Phú Xuân, xã Tam Đa, nơi có hệ thống đường giao thông nông thôn đang được đầu tư mở rộng. Giữa tiết trời tháng 4, nắng trải dài trên những mái nhà cao tầng khang trang hiện đại, những cánh đồng lúa đang thì con gái, những cánh rừng xanh bạt ngàn tạo nên nét chấm phá cho bức tranh quê trù phú, đủ đầy.
Ngay đầu thôn, gia đình ông Trương Hữu Hạnh, thôn Phú Xuân đang tất bật phá dỡ tường rào để hiến 45m2 đất cho xã mở rộng đường. Dỡ rào để hiến đất, nguyên tiền mua vật liệu cũng ngót nghét 4 triệu đồng, chưa kể công xây. Số tiền đó, vợ chồng ông Hạnh kiếm cật lực một tháng mới đủ. Ông Hạnh chia sẻ: "Gia đình tôi ít đất sản xuất, nên diện tích đất đó là tài sản rất lớn đối với tôi. Nhưng, mở rộng đường để mình đi, giao thông thuận tiện thì so đo, tính toán làm gì. Chủ trương của Nhà nước đã rõ, mình chỉ góp thêm một phần nhỏ bé, đường làng mở rộng không chỉ đời mình mà đời con cháu mình cũng được hưởng. Vậy thế, hiến nhiều hơn nữa gia đình tôi cũng sẵn lòng".
Ông Đỗ Xuân Khang, thôn Phú Xuân, xã Tam Đa (Sơn Dương) chỉ phần đất gia đình đã hiến để mở rộng đường.
Gia đình ông Đỗ Xuân Khang là một trong những hộ đầu tiên ở Phú Xuân tự nguyện hiến đất, cây trồng để thực hiện dự án. Vợ chồng ông bà đã hiến hơn 130 m2 đất, gần 30 cây giổi để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Khang bộc bạch, lúc đầu khi nghe chủ trương làm đường, địa phương vận động hiến đất, gia đình ông cũng phân vân lắm vì tấc đất tấc vàng, nhưng khi nghe tuyên truyền về lợi ích lâu dài, cả nhà đã đồng ý hiến đất, tự nguyện phá bỏ cây giổi 4 năm tuổi. "Bây giờ mình nhận đền bù mấy chục triệu đồng rồi mình cũng tiêu hết, nhưng mà mình hiến đất thì cái tiếng sẽ còn mãi"- Ông Khang giãi bày.
Đứng trên tuyến đường rộng rãi, khang trang, bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Xuân chia sẻ, tuyến đường này trước kia là đường đất, bề mặt chỉ khoảng 3m, mùa vụ thu hoạch người dân đi lại khá vất vả. Cuối năm 2022, xã có chủ trương mở rộng đường lên 8 m, bà con lập tức hưởng ứng ngay. Chỉ sau một buổi họp thôn, xin ý kiến nhân dân triển khai kế hoạch làm đường, hơn 800 m2 đất ở, đất vườn và một số công trình phụ của 17 hộ đã được hiến. Từ việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, việc hiến đất mở đường, bê tông hóa đường liên thôn luôn được bà con đồng thuận, ủng hộ cao.
Lan tỏa phong trào
Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường tỉnh qua thôn Phú Thọ, xã Tam Đa vừa được đầu tư mở rộng, thảm nhựa phẳng phiu, khang trang, sạch sẽ, ông Nguyễn Văn Chúc, Bí thư Chi Bộ thôn Phú Thọ không giấu được niềm vui. Ông Chúc giới thiệu: Con đường này trước đây là đường đất, vào mùa mưa thì ngập ngụa bùn, mùa khô thì bụi mù mịt. Người dân cứ hễ có việc gì ra ngoài xã đều phải chờ ngày nắng ráo mới đi được, nếu đi vào hôm trời mưa thì chỉ có đi ủng cuốc bộ chứ xe đạp, xe máy không lăn nổi bánh... Vì thế khi có chủ trương làm đường bà con rất phấn khởi. Với tinh thần “để đường thông, đất, vườn không tiếc”, 22 hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 4.000m2 đất cùng nhiều công trình được tháo dỡ, tổng trị giá ước tính lên tới trên 8 tỷ đồng.
Hệ thống đường giao thông ở xã Tam Đa (Sơn Dương) được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Khi có chủ trương hiến đất mở rộng đường của chính quyền, ông Nguyễn Xuân Thường là người ủng hộ đầu tiên và đã hiến hơn 200m2 đất ở, đất sản xuất và tháo dỡ công trình phụ. Theo ông Thường thì lúc đầu, nói đến việc hiến đất làm đường trong khi đất đang “đắt như vàng” hiện nay thì người dân cũng có băn khoăn. Thế nhưng, qua hoạt động tuyên truyền, vận động, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã hiểu rằng, khi có đường thuận tiện thì người dân mới có thể phát triển kinh tế để làm giàu, gia đình ông và một số hộ xung phong ký vào đơn hiến đất làm đường.
Hay như trường hợp ông Chu Quyết Tiến cũng nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đảng viên đã chủ động dỡ bỏ phần tường rào, hiến hơn 400m2 đất. Noi theo cán bộ, đảng viên, nhiều quần chúng nhân dân ở dọc tuyến đường liên tỉnh qua thôn Phú Thọ đã không tiếc “đất vàng”, sẵn sàng hiến đất để sớm hoàn thiện con đường.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Trường cho biết, trong khi ở nhiều địa phương, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng luôn là một thách thức không nhỏ khi triển khai các dự án cần thu hồi đất thì ở Tam Đa lại rất thuận lợi. Để có được kết quả trên, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích rõ cho người dân hiểu được chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc hiến đất làm đường; người dân được hưởng lợi gì, Nhà nước đầu tư thế nào để thuận lợi cho nhân dân. Hơn nữa cán bộ từ xã đến thôn phải tâm huyết, tận tụy, gương mẫu đi đầu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, có thế thì “nói dân nghe, làm dân tin".
Đến nay, 6,55 km (đạt 80%) đường trục xã, liên xã tại Tam Đa có mặt đường rộng từ 5 mét trở lên; 18,5 km (đạt 83%) đường giao thông trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, đảm bảo an toàn, thẩm mỹ. Tới đây, địa phương sẽ triển khai hơn 3km tuyến đường giao thông trục xã, thôn cũng bằng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy việc mở tuyến đường mới sẽ có khoảng trên 100 hộ dân cần phải hiến đất nhưng từ kinh nghiệm đã có, chắc chắn địa phương sẽ sớm hoàn thiện được các tuyến đường.
Rời Tam Đa, đi trên đường làng, ngõ xóm của xã, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây trên những con đường mới do chính mình đóng góp. Con đường mới không chỉ nối dài niềm vui mà quan trọng hơn sẽ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của xã. Từ đó, tạo điều kiện cho việc đầu tư các dự án cũng như các ngành nghề phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là tiền đề để xã Tam Đa hoàn thành về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Gửi phản hồi
In bài viết