Mưa dầm thấm lâu
Thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) có 145 hộ với 780 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông. Thôn từng được coi là “vùng lõm”, bởi có 19 hộ từng tin đi theo tà đạo, sống khép kín… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đó là chuyện cũ, nay Tân An đã có chuyển biến rõ rệt khi 19/19 hộ đã được tuyên truyền, vận động, hiểu rõ bản chất, tự nguyện cam kết từ bỏ tà đào, tình làng nghĩa xóm ngày càng củng cố bền chặt.
Từ khi từ bỏ tà đạo, đồng bào dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) đã ổn định đời sống, yên tâm phát triển sản xuất.
Ấn tượng đầu tiên khi về thôn Tân An là hình ảnh lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng, tung bay phấp phới trước mỗi nhà và sự thân thiện, cởi mở của bà con. Nhâm nhi chén trà nóng hổi, ông Ngô Văn Día, dân tộc Mông ở thôn chia sẻ: “Bao năm qua vì u mê, đi theo tà đạo cuộc sống ngày càng tụt hậu so với mọi người. Chính sự kiên trì, tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích của lực lượng Công an các cấp và cán bộ xã, thôn đã giúp gia đình tôi và 18 hộ khác hiểu rõ hiểu rõ bản chất, phân biệt được tốt, xấu…”.
An ninh trật tự được bảo đảm, vợ chồng ông Día đã yên tâm, động viên các con đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Ông cùng vợ ở nhà lo chăm sóc, cho các cháu cho đi học đầy đủ, vừa tích cực cấy lúa, trồng rừng, cỏ voi, nuôi trâu vỗ béo, gà thả vườn. Ông bà tin tưởng cuộc sống sẽ càng ngày khấm khá, đóng góp vào sự phát triển chung của xã.
Tuyến đường bê tông mới được đầu tư vào khu đồng bào dân tộc Mông ở thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên).
Xã Yên Lâm (Hàm Yên) từng là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự vì có nhiều hộ dân tộc Mông ở các thôn Ngòi Sen, Tháng 10, Quảng Tân tin theo tà đạo. Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, xã đã thành lập nhiều tổ công tác gồm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nòng cốt là lực lượng Công an xã phối hợp cùng cán bộ thôn kiên trì, gần gũi, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, có điều kiện là tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Mông không tin, không nghe theo luận điệu sai trái những kẻ xấu.
Mưa dầm thấm lâu, từ câu chuyện bên bếp lửa, những buổi cùng lao động sản xuất, những lời tuyên truyền, giải thích của cán bộ đã được đồng bào lắng nghe, dần hiểu và tin tưởng. Đồng chí Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm vui mừng cho biết, đến cuối năm 2022, 100% các hộ dân tộc Mông ở xã đã ký cam kết từ bỏ tà đạo, đây là dấu mốc rất quan trọng. Sau nhiều năm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã vừa được đón dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 yên vui, phấn khởi, an lành.
Theo chân các đồng chí Công an xã Yên Lâm đến thăm những hộ dân tộc Mông ở thôn Ngòi Sen, từ xa tiếng khèn Mông trầm bổng thắm thiết như đón khách. Thiếu tá Bàn Văn Bắc, Trưởng Công an xã giới thiệu, đó là tiếng khèn của ông Đào Văn Nó đã hơn 70 tuổi. Sau khi được tuyên truyền, vận động, ông Nó đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo. Lúc rảnh, ông vẫn mang khèn ra thổi, truyền dạy lại cho con cháu góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.
Sau cái bắt tay thân tình, ông Nó khẳng định: “Cuộc sống người Mông nơi đây đã bước sang ngày mới tươi sáng. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, thôn có đường bê tông rộng, đèn đường chiếu sáng ban đêm, mọi nhà đều được dùng điện lưới, nước sạch, trẻ con được đi học. Các hộ nghèo được vay vốn làm ăn, hộ có nhà dột nát còn được hỗ trợ làm nhà mới. Bà con đã đoàn kết, bảo ban nhau cách chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… cuộc sống sẽ dần khá thôi”.
Lực lượng Công an và cán bộ xã Đông Thọ (Sơn Dương) dự họp Chi bộ thôn Tân An.
Nhân rộng điển hình
Ở tỉnh ta mới có xã Thái Bình (Yên Sơn) là điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (TDBVANTQ) được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao. Nhằm nhân rộng mô hình này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch trong năm 2023 xây dựng 14 xã điển hình về phong trào. Trong đó, có 10 xã có đồng bào Mông từng tin theo tà đạo gồm: Thượng Nông (Na Hang); Linh Phú, Tri Phú (Chiêm Hoá); Minh Hương, Yên Lâm, Tân Thành, Yên Phú (Hàm Yên); Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn) và Đông Thọ (Sơn Dương).
Ông Ngô Văn Día, dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng các cán bộ kiểm tra cây giống trước khi mang đi trồng.
Theo Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, lựa chọn 10 xã từng bị ảnh hưởng của tà đạo để xây dưng trở thành xã điển hình về phong trào TDBVANTQ là nhiệm vụ đột phá của Công an tỉnh. Mục tiêu chung là giữ vững bình yên ở các bản làng, tạo môi trường xã hội an toàn để phát triển. Giải pháp căn cơ là triển khai song song giữ vững ổn định an ninh trật tự, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào. Công an tỉnh đã, đang tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt những chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào Mông. Điều đáng mừng là đồng bào Mông đã hiểu rõ bản chất, không còn nghe, tin theo kẻ xấu, từ bỏ tà đạo. Bà con sống hòa đồng, cởi mở, tích cực tham gia các hoạt động chung, yên tâm lao động sản xuất…
Cuối tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Công an tỉnh đã tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào Mông trên địa bàn xã Hùng Lợi (Yên Sơn).
Vừa qua, tại xã Thái Bình, Công an tỉnh phối hợp với UBND huyện Yên Sơn tổ chức hội nghị trao đổi, học tập nhân rộng kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng xã điển hình về phong trào TDBVANTQ. Đồng chí Nguyễn Thanh Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ khẳng định, hội nghị rất thiết thực giúp cấp ủy, chính quyền và Công an xã có thêm kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn địa phương. Theo đó, các cán bộ xã sẽ bám sát cơ sở, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật. Đồng thời, chính quyền xã sẽ phối hợp triển khai hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt vùng đồng bào Mông.
Những con đường bê tông vươn tới các ngõ, xóm, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên các bản làng người Mông đã minh chứng rõ nét về những vùng quê bình yên, đời sống khởi sắc, tăng cường niềm tin sắt son của người dân với Đảng.
Gửi phản hồi
In bài viết