Tiềm năng
Sơn Phú cách trung tâm huyện Na Hang 22 km, nằm trong cung đường phát triển du lịch của huyện, nối với các xã khu C và một số địa phương của tỉnh Bắc Kạn. Xã có hệ thống các hang động, thác nước kỳ vỹ như hang Phia Muồn, Mè Vằng, Nặm Chang, Nặm Pàn; thác Pắc Hẩu, Vằng Bo. Về đây, du khách còn được trải nghiệm hái chè Shan cổ thụ; tham quan rừng nghiến già, rừng trúc thơ mộng.
Nằm ở độ cao 700 m so với mực nước biển, Phia Chang là điểm quan sát lý tưởng, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn về các cánh rừng nguyên sinh ẩn hiện dưới mây ngàn. Người dân nơi đây còn lưu giữ trang phục sặc sỡ của phụ nữ Dao đỏ với những điệu hát Páo dung và nghi lễ cấp sắc truyền thống của dân tộc. Khu vực dãy núi Phia Chang gồm 2 thôn Phia Chang và Nà Cọn rộng hơn 100 ha. Phia Chang mùa này được bao phủ bởi màu xanh của những vườn chè, rừng cây cổ thụ quý hiếm như đinh, nghiến…; những thửa ruộng bậc thang, lúa nương vào mùa vàng óng. Anh Triệu Văn Sính, Trưởng thôn Phia Chang chia sẻ, thôn có 85 hộ đều là người Dao đỏ, ở đây còn nổi tiếng là “thủ phủ” của cây đào rừng. Nhà nào cũng có cây đào rừng trồng trước cửa, cũng bởi khí khậu mát mẻ nên đào ra hoa 2 đợt trong năm, vào dịp tháng 9 âm lịch và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, người dân trong thôn trồng 2 ha cây trúc, tạo nên khung cảnh nên thơ.
Đến Sơn Phú du khách được hái chè Shan cổ thụ.
Huyện Na Hang đã tổ chức các đoàn khảo sát du lịch tại Phia Chang, mọi người đều cảm nhận đây là điểm đến lý tưởng để dã ngoại và nghỉ mát khá hấp dẫn. Đối với những khách du lịch thích phong cảnh tự nhiên hay săn mây trên đỉnh núi thì đây là địa điểm không thể bỏ qua. Huyện đã đầu tư làm con đường bê tông từ Quốc lộ 279 lên đến thôn tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi và thúc đẩy phát triển du lịch nơi đây.
Cách thôn Phia Chang không xa, du khách sẽ đến với thôn Nà Mu và Nà Lạ, chủ yếu đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Chỉ cách đường Quốc lộ 279 chừng hơn 1km, nơi đây được thiên nhiên ban tặng những tiềm năng du lịch không phải nơi nào cũng có. Con đường bê tông phẳng lỳ dẫn du khách đến thác Vằng Bo, dòng nước mát rượi chảy ra từ trong sâu thẳm rừng nguyên sinh đổ xuống từ độ cao 15 m tạo dòng thác trắng xóa. Khu vực núi cao là những cánh rừng nguyên sinh với những cây nghiến cổ thụ, ẩn hiện trong đó là hệ thống vách đá, hang động còn nguyên sơ. Đặc biệt hơn cả, hang Phia Muồn là di tích chứa rất nhiều bí ẩn với nhiều dấu tích của người Việt cổ.
Dòng thác Vằng Bo là điểm du lịch lý tưởng.
Định hướng phát triển
Chủ tịch UBND xã Sơn Phú Hà Văn Đức cho biết, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, giải pháp phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch tổng thể về du lịch; khảo sát các điểm du lịch, đánh giá tiềm năng cũng như xây dựng các tour, tuyến du lịch đến Sơn Phú.
Cụ thể, tuyến Bản Chủ, Phe Phung, Kéo Sáng thuộc khu vực rừng tự nhiên đặc dụng thôn Phia Chang; tuyến hang Phia Muồn, thác Vằng Bo thuộc khu vực rừng tự nhiên đặc dụng thôn Nà Lạ và Nà Mu đưa vào tour du lịch và xây dựng thêm một số điểm checkin. Mục tiêu trong 5 năm tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của xã, trong đó phát huy tiềm năng du lịch xã Sơn Phú và khai thác hiệu quả loại hình du lịch sinh thái và trải nghiệm, phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm thương hiệu đặc trưng của xã Sơn Phú, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Xã tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư. Tiếp tục tận dụng các nguồn lực đầu tư ưu tiên nâng cấp, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch.
Ruộng bậc thang vào mùa lúa chín là điểm checkin không thể bỏ qua khi đến Sơn Phú.
Để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, thời gian tới, xã Sơn Phú đã định hướng phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, bảo tồn, tôn vinh các di tích quốc gia trên địa bàn, khôi phục các phong tục truyền thống như nghi lễ cấp sắc, khuyến khích thành lập câu lạc bộ hát Páo dung; vận động các thôn thành lập nhóm sở thích thêu thổ cẩm… Chị Phùng Thị Sếnh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nà Mu cho biết, để giữ nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Dao cũng như tạo ra những sản phẩm thổ cẩm để phục vụ khách du lịch, chị Sếnh đã đứng ra tập hợp các chị em trong thôn thành lập nhóm sở thích thêu thổ cẩm để cùng trao đổi kinh nghiệm, tạo ra các sản phẩm thổ cẩm đẹp phục vụ khách du lịch.
Xã khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương như rượu ngô, mật ong, măng khô... Đồng thời, đa dạng các hình thức tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch, các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của xã trên các phương tiện thông tin; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Với những lợi thế sẵn có và định hướng phát triển phù hợp, hy vọng trong tương lai gần Sơn Phú sẽ trở thành điểm du lịch mới, thú vị đối với du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết