Theo sự giới thiệu của cán bộ xã Mỹ Bằng, tôi men theo con đường trải bê tông tầm 7 km thì vào thôn Đá Bàn 1. Ngôi nhà sàn Chủ tịch Xuphanuvông ở nhà ông Lê Quang Trung và bà Bàn Thị Téo vẫn còn kia. Chỉ có điều chủ nhân ngôi nhà đã khuất núi, giờ người con trai út của ông bà vẫn đang ở. Ra đón khách trong bộ trang phục Dao quần trắng, ông Lê Thanh Hải, sinh năm 1944 cho biết, trước ông cụ thân sinh Lê Quang Trung hồi đó làm thầy cúng, có uy tín lớn trong làng. Giờ nối tiếp truyền thống của cha, ông Hải cũng trở thành thầy cúng cao tay, đã được cấp sắc 12 đèn.
Ngôi nhà sàn của ông Lê Thanh Hải qua thời gian đã xuống cấp, nhưng ông vẫn quyết giữ vì mang nhiều kỷ niệm Việt - Lào.
Ở thôn Đá Bàn 1, ông Lê Thanh Hải là người có thể vẽ được tranh thờ của người Dao, đọc được sách cổ. Ông Hải có hơn 20 năm làm công tác người cao tuổi thôn, xã, nay tuổi cao ông Hải xin nghỉ. Giờ vợ chồng ông Hải ở cùng với người con trai thứ 2 là Lê Chí Công, nay đang làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đá Bàn 1. Thôn Đá Bàn 1 hiện có trên 150 hộ, chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng.
Hồi tưởng lại thời kỳ Chủ tịch Xuphanuvông đến ở với gia đình trong nếp nhà sàn 3 gian hai chái và gian bếp rộng, ông Lê Thanh Hải tâm sự, thôn thời ấy đi toàn đường rừng, qua đèo, lội suối sâu, vào mùa mưa lũ thường bị tắc đường. Hai bên đường được du kích địa phương phối hợp với lực lượng bảo vệ cách mạng làm 2 cái chòi canh gác ngày đêm rất nghiêm ngặt, cấm người lạ mặt vào thôn. Hồi đó cả thôn chỉ có 7 hộ chưa đến 60 nhân khẩu.
Vào một buổi sáng mùa thu cuối tháng 8-1950, Chủ tịch Xuphanuvông cùng đoàn cán bộ, bộ đội cơ quan cách mạng cao cấp của Lào từ thôn Làng Ngòi di chuyển vào thôn Đá Bàn 1, nơi núi rừng có nhiều vắt, muỗi. Đi theo đoàn có các anh người Việt Nam phiên dịch. Đoàn cán bộ cơ quan mỗi người mang một ba lô và hai túi gạo hai bên vai, đi theo đường bờ ao tiến vào nhà ông. Bố mẹ ông lúc đó mang nong và cót ra quây cho cơ quan đựng gạo và mang cái chum ra cho các bác đựng đường. Cả xóm không ai biết tiếng Lào, qua người phiên dịch được biết Chủ tịch Xuphanuvông mong muốn bà con trong thôn giúp đỡ cơ quan rau ăn hàng ngày, vì mới đến mọi thứ đều túng thiếu. Mẹ ông hiểu đã vận động anh em dòng họ, bà con mang rau bao, rau cải, bí đỏ, bí đao, đu đủ đến ủng hộ cho cách mạng. Bác Chủ tịch Xuphanuvông và cán bộ phiên dịch ở nhà bố mẹ ông Hải, sau đó bố ông đưa bác Cayxỏn Phômvihản đến ở nhà con rể, có cán bộ phiên dịch đi theo, còn 3 ông thì ở nhà chú Lê Văn Hương, bộ đội thì ở nhà ông Đặng Văn Đon đều có cán bộ phiên dịch đi theo. Qua phiên dịch, bác Chủ tịch Xuphanuvông cảm ơn gia đình, cảm ơn bà con rất nhiều đã quan tâm giúp đỡ cơ quan buổi đầu khó khăn.
Kho gạo của cơ quan toàn gạo đỏ, thỉnh thoảng bố mẹ ông Hải lại cho đong 2 - 3 ống gạo nương để chú phiên dịch phục vụ thổi cơm chung và cùng ăn chung với gia đình. Thấy bố ông giã gạo lúa nương, khi rảnh việc bác Xuphanuvông cũng cầm chày giã gạo cùng bố ông. Bác nói việc giã gạo lúa cum bằng máng gỗ của đồng bào Dao quần trắng là một việc làm rất tốt, vừa giã gạo vừa tập thể dục có tác dụng làm cho cánh tay chắc khỏe. Thời kỳ đó do bố ông làm thầy Nho nên có nhiều người ở các xã lân cận đến học chữ, học phép, học cúng. Sợ bị lộ, bố ông đã bàn với bác Xuphanuvông vào chân núi tìm chỗ kín đáo để hạ lán trại. Và đã tìm được chỗ kín đáo làm lán trại rồi chuyển cơ quan vào ở đó, khoảng tháng 12 âm lịch Canh Dần (1950) tức đầu tháng 2 năm 1951. Tuy chuyển vào lán trại ở nhưng thỉnh thoảng các bác vẫn lui tới gia đình và bà con trong thôn chuyện trò vui vẻ, bà con thường mang bí, đu đủ, rau nương vào cho cơ quan cải thiện.
Ông Lê Thanh Hải, dân tộc Dao quần trắng, thôn Đá Bàn 1 vẽ được tranh thờ và đọc sách cổ.
Tết Tân Mão (1951) nhận lời mời của bố mẹ ông Hải, sáng mồng một Tết bác Xuphanuvông, bác Cayxỏn Phômvihản cùng các bác trong cơ quan, cán bộ phiên dịch đã ra chúc Tết gia đình và cùng gia đình ăn cái Tết thật đầm ấm, vui vẻ. Bố ông trong niềm vui hân hoan, phấn khởi đã nói: “Gia đình tôi năm nay hữu phúc, hữu lộc được nhà Vua ăn Tết mồng một với gia đình hôm nay như trời giáng tiên xuống nhà vậy. Có nghìn tấn vàng cũng chả ai mua được nhà Vua, chính phủ cao cấp đến ăn Tết mồng một với gia đình”.
Ngày tháng trôi qua, cơ quan cách mạng Lào đã hoàn thành nhiệm vụ, rút về nước. Trước khi rút quân, bác Xuphanuvông, Cayxỏn Phômvihản, cùng các bác trong ban lãnh đạo và cán bộ phiên dịch đã ra nhà ông nói chuyện tình cảm, chia tay gia đình, hứa khi đánh cho quân Pháp thất bại, hai nước lập lại hòa bình sẽ đến thăm nhau. Bác Xuphanuvông đã cảm ơn bố mẹ, gia đình và bà con trong thôn đã làm hết sức mình để bảo vệ, giúp đỡ cách mạng ăn, ở, họp hành cùng nhau bảo vệ bí mật, an toàn.
Ngày nay, để nhớ đến Chủ tịch Xuphanuvông, nhân dân Đá Bàn đã trồng cây xanh và đặt tên cho cái đồi và cái hang mà lực lượng cách mạng Lào đã ở là đồi, hang Xuphanuvông. Cán bộ và nhân dân Đá Bàn luôn chung tay tôn tạo, bảo vệ cảnh quan môi trường Khu di tích Quốc gia cách mạng Lào ở xã Mỹ Bằng. Nhờ có khu di tích quốc gia cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang mà ngày nay xã Mỹ Bằng nói chung và thôn Đá Bàn 1 nói riêng đã có đường bê tông đi khắp các ngõ, thôn nào cũng có nhà văn hóa, bộ mặt của Khu di tích lịch sử đã thay đổi ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Tháng 7-2019, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Xuphanuvông, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và Hội hữu nghị Lào - Việt Nam đã mời ông Lê Thanh Hải sang Lào dự buổi lễ. Ông Hải rất xúc động được thăm gia đình, quê hương Chủ tịch Xuphanuvông. Giờ đây các đoàn cán bộ Lào sang thăm Khu di tích cách mạng Lào ở thôn Đá Bàn 1 vẫn thường đến thăm ông Hải, thăm căn nhà sàn chất chứa bao kỷ niệm về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Gửi phản hồi
In bài viết