Bám trường, bám lớp, bám trò
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy Hòa được phân về công tác tại trường Tiểu học Hùng Lợi 2, xã Hùng Lợi. Cũng vào thời điểm đó trường mở thêm điểm trường thôn Toạt dạy học sinh lớp 1 và dạy xóa mù chữ cho người dân. Với sức trẻ, muốn được thử sức và được cống hiến, thầy Hòa đã xung phong xin vào điểm trường thôn Toạt dạy học.
Ngày nhận nhiệm vụ, thầy Hòa đi lạc lên nương không có dấu chân người, hỏi đường thì không ai biết tiếng phổ thông. Một mình một đường giữa bao la đồi núi, loay hoay gần nửa ngày, thầy giáo trẻ vẫn chưa tìm được đường đến thôn. Nhớ lại lời dặn của người anh, thầy Hòa men theo đường mòn có nhiều dấu chân trâu, chân ngựa, cuối cùng sau 6h đồng hồ với quãng đường 7 km, thầy cũng tới nơi mình được giao nhiệm vụ "gieo chữ".
Một buổi lên lớp của thầy Đỗ Trọng Hòa tại điểm trường thôn Toạt.
Những ngày đầu, thầy nói tiếng Kinh, trò nói tiếng dân tộc, không ai hiểu ai. Những lúc như vậy, anh Hòa vừa là thầy giáo, vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ, vừa là người dịch chữ. Phải mất gần 4 tháng học tiếng nói của nhau, giữa thầy và trò mới dần hiểu được nhau, thầy lại vận dụng tiếng đồng bào để dạy tiếng Việt cho các trò được dễ dàng hơn.
26 năm công tác thì có đến 20 năm thầy Hòa bám bản ở các điểm trường. Dạy ở điểm trường nào đều gặp rất nhiều khó khăn vì người dân nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đường sá đi lại khó khăn, người dân còn nghèo. Dù điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những đứa trẻ ấy, những thế hệ học sinh của thầy tại các điểm trường lẻ hay trường chính vẫn chưa bao giờ thiếu đi sự hồn nhiên, trong trẻo và sức sống tiềm tàng mãnh liệt, ý thức vươn lên.
Thầy Hòa trải lòng: "Từ khi bắt đầu bước chân vào nghề cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay muốn bỏ cuộc, dù cho có rất nhiều khó khăn. Khi được đứng lớp, tiếp xúc với các em học sinh và dạy cho bọn trẻ, tôi càng cảm thấy yêu quý và đam mê với nghề hơn. Tôi rất tự hào khi mình được làm giáo viên".
Thầy Nguyễn Quang Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Lợi 2 cho biết: Với 26 năm công tác, trong đó có đến 20 năm thầy Hòa gắn bó tại các điểm trường lẻ đặc biệt khó khăn. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, thầy Hòa còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Dù ở cương vị nào thầy Hòa cũng luôn nỗ lực và có nhiều đóng góp trong công việc, tham gia nhiệt tình các hoạt động của nhà trường và ngành giáo dục địa phương. Sự cống hiến ngày đêm bám trường, bám lớp, bám dân của thầy đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho vùng khó, xứng đáng với lòng tin yêu, sự tín nhiệm của Nhân dân.
Kho báu đặc biệt
Với thầy Hòa, món quà quý giá nhất trong sự nghiệp trồng người của mình chính là những lớp học trò của mình ngày một trưởng thành hơn, có thêm nhiều cơ hội sau khi được tiếp cận với "cái chữ", với kiến thức, với văn hóa... "Những thế hệ học sinh đầu tiên của chúng tôi bây giờ có người đã thành ông, thành bà rồi, chúng tôi vẫn hay trêu là hết dạy ông rồi giờ dạy cả các cháu, tính ra là đã dạy 3 thế hệ trong một gia đình. Mà nếu tính cả giai đoạn dạy xóa mù chữ cho các bậc phụ huynh, người lớn tuổi những năm 1997 - 1998, thì bây giờ có gia đình, tôi đã dạy được 3 thế hệ... Cũng tự hào lắm đấy chứ chẳng đùa".
Thầy Đỗ Trọng Hòa hướng dẫn học sinh ôn bài.
Bà Triệu Thị Và, 60 tuổi, xã Hùng Lợi từng là học sinh của thầy Hòa chia sẻ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy Hòa lặn lội đến từng nóc nhà, ngõ xóm để vận động học sinh đến lớp. Nếu không có thầy Hòa, tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác trong làng không biết đọc, biết viết như ngày hôm nay. Đến nay gia đình tôi có 3 thế hệ được thầy trực tiếp dạy - Bà Và xúc động nói.
Đến nay sau chừng đấy năm công tác, kho báu quý giá nhất của thầy đó là những những kỷ niệm của các thế hệ học sinh. Thầy Hòa mở chiếc hòm tôn góc giường, lấy ra một tập thư "khoe" với tôi. "Đó! Gia tài lớn nhất mà tôi giữ được sau ngần ấy năm giảng dạy" - thầy Hòa đùa. Quà của các em học sinh là những bức thư tự thiết kế. Các em lấy giấy ô ly gấp thành phong bì, viết thư, vẽ hình, tô màu. Trong thư, học sinh kể lại những lần thầy quát, lần bị phạt, những tối thầy đến nhà vận động học sinh đến trường... Những dòng chữ nắn nót, ngay ngắn là những xúc cảm chân thành của những cô, cậu học trò dành cho thầy.
Dẫu rằng để thay đổi suy nghĩ, nhận thức của học sinh, phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó, nhưng bằng sự kiên trì và tình cảm chân thành, hòa mình với người dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào, tạo mối quan hệ gắn bó khăng khít với già làng, trưởng bản chính là chìa khóa giúp thầy Đỗ Trọng Hòa mở cửa tấm lòng của Nhân dân nơi thầy công tác.
Gửi phản hồi
In bài viết