Tâm huyết, sáng tạo trong dạy học
Dù dạy học ở bất cứ đâu, ở vùng cao hay thành phố, nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh đã luôn sự nỗ lực hết mình cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đồng chí Vũ Đình Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo thăm hỏi, tặng quà giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thuần Yên, dạy môn Vật Lý, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang liên tiếp đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Cô đã có nhiều sáng kiến để dạy tốt môn học này, hầu như năm nào cũng có học sinh đoạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia. Cô Yên cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học có ý nghĩa rất quan trọng. Khi dạy học phải lấy sự tâm huyết lên hàng đầu, dù là trong giờ dạy chính khóa hay ngoài giờ lên lớp khi học sinh cần sự giúp đỡ giáo viên đều phải sẵn lòng.
Cô giáo Trần Thị Nga, dạy môn Công nghệ, trường THPT Sơn Dương (Sơn Dương) bao năm qua đã "truyền lửa" đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh, giúp các thế hệ học sinh nhà trường học tốt môn này. Nhiều học sinh được cô hướng dẫn đã đoạt những giải cao ở các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong 19 năm công tác, cô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác. Cô Nga chia sẻ, trong mỗi học sinh đều có những năng khiếu tiềm ẩn nếu giáo viên biết gợi mở sự tìm tòi, đam mê chắc chắn các em sẽ tiến bộ, biết phát huy tính sáng tạo trong học tập.
Niềm vui cô trò trường Tiểu học Hưng Thành, TP Tuyên Quang. Ảnh: Khánh Dương
Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai sâu rộng, tạo sức lan toả trong toàn ngành. Chính bản thân đồng chí Vũ Đình Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã nêu gương khi có nhiều việc làm ý nghĩa như thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất cho những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Cùng với đó nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm đầy tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp "trồng người". Tiêu biểu như thầy giáo Đặng Đàm Trọng, Trường Tiểu học Yên Lâm I (Hàm Yên) vận động nhà hảo tâm xây cầu qua suối để học sinh vùng cao đi lại thuận lợi; cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đi học hát Then để về trường dạy học sinh của mình nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc; cô giáo Lê Thị Hiền, Trường THCS An Tường (TP Tuyên Quang) nhận đỡ đầu nhiều học sinh, trích tiền lương để mua đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn…Những việc làm ý nghĩa đang ngày càng lan tỏa, trở thành những việc làm thường xuyên trong toàn ngành Giáo dục tỉnh.
Không ngừng nâng cao chất lượng giáo viên
Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục trong tình hình mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn tỉnh. Việc tập huấn tập trung vào nhiều nội dung như: Chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác quản lý, công tác chủ nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục trong trường học…
Cô và trò trường Mầm non Hợp Hòa (Sơn Dương).
Cô giáo Hà Thị Ly Thùy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lâm Bình từng được tham gia lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho biết, các nội dung tập huấn đã giúp cán bộ, giáo viên cập nhật những kiến thức mới để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của từng năm học.
Cùng với đó, để làm tốt nhiệm vụ của mình thì mỗi cán bộ, giáo viên đã thường xuyên tự học để nâng cao trình độ. Sự sáng tạo, đổi mới của các thầy cô giáo đã được thể hiện ở giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 khi giáo viên, học sinh không thể đến trường. Các thầy, cô đã nhanh chóng tiếp cận với việc dạy học trực tuyến, quay phát các video dạy học để lập kho tư liệu cho học sinh học tập; các phần mềm kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh trực tuyến cũng được các nhà trường triển khai…
Các em học sinh trường Mầm non Tân Trào với cô giáo. Ảnh: Thanh phúc
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, toàn ngành có trên 13.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo bậc THPT là 100%, bậc THCS là 87%, mầm non 96%... Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai kế hoạch để bồi dưỡng, nâng cao trình độ đạt chuẩn cho cán bộ, giáo viên. Đồng thời, đổi mới trong công tác tuyển chọn, thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục, thực hiện thi tuyển đối với cán bộ quản lý các trường để chọn người đứng đầu có tâm, có tầm nhằm tạo bước đột phá trong trường học.
Phát huy những thành tích đã đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang tích cực thực hiện đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu năm học 2023 - 2024 đã đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết