Giấc mơ đến chậm...
Người ta vẫn khuyên nhau phải lập nghiệp ở tuổi trẻ, lứa tuổi đầy nhiệt huyết, khát vọng, có thể dễ dàng làm lại khi bị thất bại. Điều đó đúng, nhưng ở hoàn cảnh bà Đoái, tổ 7, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) thì thật khó. Vậy nên khi bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” mới bắt đầu khởi nghiệp. 50 tuổi bà đi học để trở thành kỹ thuật viên sử dụng trị liệu bằng liệu pháp điện sinh học và đưa công nghệ hiện đại về Tuyên Quang. Bước rẽ cuộc đời đầy bất ngờ khi bà là bệnh nhân trải nghiệm và nhận thấy kết quả kỳ diệu từ phương pháp này.
Bà Đoái lý giải rằng, để có được sức khỏe tốt thì trước hết khí và huyết phải lưu thông. Trong cơ thể, huyết được lưu thông trong hệ thống tuần hoàn từ tim đến các cơ quan, nội tạng và ngược lại, nếu trong vòng tuần hoàn đó, huyết bị tắc nghẽn ở đâu sẽ gây ra bệnh ở đó. Trong khi đó, trị liệu điện sinh học có thể hữu ích, giải quyết được tình trạng tắc nghẽn này.
Trị liệu điện sinh học hay trị liệu bằng liệu pháp điện sinh học là một kỹ thuật được thực hiện bởi máy điện liệu qua bàn tay của kỹ thuật viên. Ở đây, kỹ thuật viên sử dụng máy điện liệu để truyền năng lượng ra, thông qua các loại máy thủ pháp làm thay đổi dòng điện chạy vào người bệnh nhân. Sau đó, dùng dòng điện mạnh để dẫn trong chốc lát đả thông kinh mạch tăng tốc độ lưu thông máu. Cách làm này giúp cho người bệnh trong thời gian ngắn cân bằng được dòng điện sinh học trong cơ thể, tăng cường sự miễn dịch để loại bỏ các loại độc tố ra ngoài cơ thể.
Bà Nguyễn Thu Đoái.
Khi hiểu được cơ chế điều trị bệnh của phương pháp đông y này, bà Đoái đã ngày đêm miệt mài học tập để thực hiện ước mơ có được một cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe tại Tuyên Quang. Ở cái tuổi đáng lẽ bước vào giai đoạn nghỉ ngơi nhưng bà lại ấp ủ những dự định mới khi cầm trong tay tấm bằng kỹ thuật viên của Trung tâm Trị Liệu và chăm sóc sức khỏe Điện sinh học Dds Hà Nội, thuộc Công ty cổ phần Tư vấn - hỗ trợ nghề Việt Nam. Bà trở thành học viên cao tuổi của lớp khi tham gia khóa học Massage - bấm huyệt do Khoa Y học cổ truyền, Trường Cao đẳng Y Dược cộng đồng Hà Nội đào tạo. Sau gần 2 năm trời đi về Hà Nội và Tuyên Quang, bà đã nhận được chứng chỉ y khoa.
Nhiều người thắc mắc không biết động lực nào để bà kiên trì với sự nghiệp muộn màng này. Bà cười hiền bảo: “Nói đúng hơn đây là giấc mơ đến chậm, chính vì nó đến chậm và sinh sau đẻ muộn nên tôi càng chắt chiu, chỉn chu để giấc mơ trở thành hiện thực. Có một câu nói “Nếu bạn vẫn đang tìm một người có thể thay đổi được cả cuộc sống của mình, hãy nhìn thẳng vào gương”. Và tôi đã luôn nỗ lực hết mình, dựa vào chính mình để đạt được tâm nguyện”.
Đến nay, sau hơn 10 năm làm Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe An Phúc Lộc Điện sinh học Dds Tuyên Quang, bà đã khẳng định được vị thế của mình. Với phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, thực hiện điện sinh học giúp lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch, giảm tắc nghẽn… Phương pháp điều trị phục hồi cơ thể các căn bệnh như tai biến, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, phục hồi thị lực, bệnh gout…
Đồng chí La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang chia sẻ, đây là phương pháp điều trị bệnh mới và khá hiệu quả nằm trong phương pháp trị bệnh hiện đại, giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong việc chăm sóc nâng cao sức khỏe cho bản thân.
Cống hiến để trả nợ đời
Khi tiếp xúc với bà Nguyễn Thu Đoái người đối diện ấn tượng bởi khuôn mặt phúc hậu và sự cương trực của người phụ nữ trải qua nhiều thăng trầm, cơ cực. Bà sinh ra ở Hải Dương, mồ côi mẹ khi lên 5 tuổi. Từ đó bà sống ở nhà chùa trong làng đến năm 9 tuổi thì 4 chị em phiêu bạt lên Chiêm Hóa, Tuyên Quang sinh sống. Quãng thời gian dài đằng đẵng với những nỗi vất vả, cực nhọc, miếng cơm, manh áo, lên 9 tuổi, bà trở thành trụ cột để chăm sóc 3 người em nhỏ. Bà chia sẻ, lúc đó lưu lạc lên Chiêm Hóa, được một người dân cưu mang dựng túp lều cho 4 chị em có chỗ ngủ nghỉ. Ban ngày, cô bé Đoái làm đủ các việc như gánh nước thuê, kiếm củi, làm đồng… để đổi gạo nuôi các em. Có những lúc nhìn các em đói, khóc lả đi, Đoái lại tất tả ngược xuôi gánh vác, làm lụng ngày đêm. Người trong làng thấy hình ảnh cô gái nhỏ thó, đen đúa, gầy gò lo toan, chăm bẵm các em mà gợi biết bao thương cảm, khâm phục.
Bà Nguyễn Thu Đoái cùng các kỹ thuật viên trị liệu cho bệnh nhân.
Năm tháng qua đi, bữa đói, bữa no, sống nhờ sự chắt chiu đùm bọc của dân làng, 4 chị em lớn lên, trưởng thành. Bà bảo: “Đúng là như củ khoai, củ sắn, chúng tôi cứ như thế mà lớn lên trong nghĩa tình bà con nơi đây. Tôi may mắn được chính quyền địa phương tạo điều kiện đi học và trở thành công nhân kỹ thuật của Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Sau đó tôi được cử đi học nghiệp vụ sư phạm, trở về quê nhà dạy học cho con em tại lâm trường Chiêm Hóa. Năm 1990, tôi xin về hưu sớm và làm kinh doanh, buôn bán thực phẩm. Và rồi cơ duyên đến về nghề chăm sóc sức khỏe như ngày hôm nay. Với nhiều người nghĩ đó là muộn màng thế nhưng với tôi không có điều gì là muộn khi con người tìm được công việc có giá trị với bản thân và cộng đồng”.
Hiện nay, trung tâm có 6 kỹ thuật viên, lương trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, trung tâm điều trị cho khoảng gần 100 bệnh nhân. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được điều trị, hỗ trợ ăn nghỉ miễn phí. Bà Hà Thị Bình, xã Tân An (Chiêm Hóa) chia sẻ, bà bị tai biến, méo miệng, liệt nửa người, bà được trung tâm điều trị miễn phí, hỗ trợ ăn nghỉ tại trung tâm. Sau 2 tháng bệnh tình dần thuyên giảm, nay đã đi lại được. Bà vô cùng biết ơn bà Đoái và các kỹ thuật viên của trung tâm.
Bên cạnh đó, hàng năm bà Đoái tích cực tham gia hoạt động từ thiện, tặng quà cho khách hàng hoàn cảnh khó khăn. Bà Đoái trải lòng rằng, những lúc mình khó khăn nhất thì được bà con Tuyên Quang đùm bọc chăm sóc 4 anh chị em khôn lớn, trưởng thành. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ơn nghĩa này bà không cho phép mình giây phút nào được quên. Chính vì thế càng cố gắng nỗ lực phát triển sự nghiệp để có thêm điều kiện ủng hộ chữa trị bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Sau một ngày dài làm việc, với cương vị là giám đốc bà Nguyễn Thu Đoái vẫn miệt mài dọn dẹp, chăm chút từng góc nhỏ trong các phòng trị liệu để cho bệnh nhân có cảm giác thoải mái, an yên nhất. Bởi với bà, phương pháp này quan trọng nhất là khi trị liệu mang đến cảm giác được trải nghiệm tận hưởng cho người bệnh thì mới mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, bà Đoái tích cực truyền nghề, đào tạo miễn phí cho các học viên trong và ngoài tỉnh. Nhiều người từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng… đến học tập và được bà hỗ trợ nhiệt tình. Bà chia sẻ: “Ước mơ của tôi không chỉ dừng lại việc mở trung tâm điều trị bệnh ở Tuyên Quang mà mong muốn có điều kiện để được chữa bệnh, phục hồi miễn phí cho nhiều bệnh nhân nghèo, giúp đỡ được nhiều người tiếp cận với loại hình chữa bệnh không dùng thuốc này”.
Gửi phản hồi
In bài viết