Làm thật thì nói dân mới nghe
Chỉ cần đến đầu thôn Đồng Danh đã thấy có sự khác biệt với các thôn khác. Từ đầu thôn đến cuối thôn, nhiều vườn bưởi, cam, chanh, thanh long trĩu quả, đang vào mùa thu hoạch. Thương lái tìm đến mua nhộn nhịp cả những khu vườn. Nhiều vườn trái cây đẹp mắt, thoáng đãng làm cho bất kỳ ai khi đến đây cũng muốn chụp ảnh. Bí thư Chi bộ Hà Xuân Hùng từng trải qua nhiều cương vị là cán bộ bán chuyên trách của xã, thôn nhưng anh vẫn luôn dành thời gian hợp lý để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình. Anh bảo: “Mình làm cán bộ mà nếu mình không có mô hình thật, không làm thật thì lấy gì ra để cho dân tin?”. Nghĩ như vậy nên anh Hùng luôn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ trồng chè không cho hiệu quả kinh tế cao, anh là người đầu tiên chuyển đổi toàn bộ 4 ha chè sang trồng bưởi đường, Da xanh, Soi hà, Diễn. Sau 3 năm trồng bưởi, gia đình anh đã cho thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/năm từ bưởi. Từ đó, anh phổ biến, vận động các hộ khác cùng chuyển đổi diện tích trồng chè sang trồng bưởi. Ngoài trồng bưởi, anh còn trồng thử nghiệm cây ba kích, cát sâm và mạnh dạn nuôi dê, bò sinh sản. Lúc cao điểm nhất, đàn dê của gia đình anh lên tới 30 con và đàn bò có 5 con. Từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình mình, mỗi năm cho gia đình anh Hùng thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.
Đồng chí Hà Xuân Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) hướng dẫn,
vận động nhân dân trồng cây thanh long đỏ.
Không chỉ anh Hùng là tấm gương đảng viên điển hình làm kinh tế giỏi, tấm gương của đảng viên Hà Đức Chính cũng được nhiều người biết đến với cái tên “vua thanh long”. Trước đây, toàn bộ diện tích đất đồi của anh Chính đều trồng chè nhưng khi làm chè năng suất thấp, anh đã đi học hỏi kinh nghiệm trồng cây thanh long đỏ ở nhiều tỉnh. Từ đó, anh quyết định chuyển toàn bộ diện tích chè sang trồng thanh long đỏ. Hiện nay, gia đình anh có 1.600 trụ thanh long đỏ, trong đó 1.000 trụ đã cho thu hoạch. Mỗi năm bình quân gia đình anh thu từ 5 đến 6 lứa thanh long, mỗi lứa bình quân thu từ 1 đến 1,2 tấn. Trừ mọi chi phí, gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng/ năm. Anh Chính không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long của gia đình mình cho những đảng viên khác và nhân dân. Anh bảo: “Mình muốn nhiều người cũng thành công như mình”. Học theo mô hình trồng thanh long đỏ của đảng viên Chính, nhiều đảng viên và người dân ở Đồng Danh cũng làm theo. Điển hình như gia đình ông Hà Minh Thái hiện cũng có 600 trụ thanh long đỏ được chuyển đổi từ trồng chè kém năng suất. Hiện nay, diện tích trồng thanh long của gia đình ông Thái đã cho thu hoạch, mỗi vụ bình quân thu từ 4 đến 4,5 tạ. Ông Thái cho biết, nhờ học theo mô hình thanh long đỏ của gia đình đảng viên Chính, giờ đây, gia đình ông đã có thêm nguồn thu khá từ mỗi vụ thu hoạch thanh long để kiến thiết, chỉnh trang nhà cửa và các công trình phụ.
Ở Đồng Danh, khi nói về người có nhiều cây ăn quả nhất, người dân thường nhắc tới mô hình trồng 7 ha cây ăn quả của Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ Nguyễn Việt Phong. Ông Phong là người đầu tiên trong thôn đầu tư máy nâng để vận chuyển phân bón, trái cây, thay cho việc vận chuyển thô sơ. Cũng là người đi lên từ cây chè nhưng khi thấy nhiều nơi trồng cây ăn quả có lãi cao hơn, ông Phong đã năng động chuyển sang trồng cây ăn quả có múi. Mỗi năm trừ chi phí, diện tích cây ăn trái cho gia đình ông thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng.
Những tấm gương đảng viên làm kinh tế giỏi ở Đồng Danh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng của nhân dân nơi đây.
Đường giao thông vào khu sản xuất ở Đồng Danh được bê tông hóa, ô tô đi lại thuận tiện.
Làm giàu cho quê hương
Người dân ở Đồng Danh không chỉ tự lực làm kinh tế mà còn biết giúp đỡ nhau, đoàn kết để cùng vươn lên. Đó là truyền thống quý báu bao đời để làm nên một Đồng Danh phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Thôn có 4 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao lan với 135 hộ. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 42 triệu đồng/người/năm. Đồng Danh chỉ còn 3 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới.
Tổng diện tích trồng cây ăn quả ở Đồng Danh hiện nay lên tới 115 ha, có 1 vườn mẫu được công nhận. Trong thôn còn hình thành tổ hợp tác liên kết trồng rau an toàn. Toàn thôn hiện có 5 ha trồng rau an toàn. Mùa nào thức ấy, người dân không để cho đất nghỉ. Bởi vậy mà nhiều người gọi Đồng Danh là “mảnh đất xanh”.
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Việt Phong tiên phong làm giàu từ trồng cây ăn quả có múi.
Có điều kiện về kinh tế, người dân ở Đồng Danh còn tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang mà không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Hiện nay 100% hộ gia đình trong thôn đã có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn. Bí thư Chi bộ Hà Xuân Hùng cho biết, bất cứ công việc gì ở trên phát động, người dân đều hăng hái đóng góp. Năm 2022, thôn triển khai làm trên 800 mét đường giao thông nội đồng và kiên cố hóa gần 600 mét kênh mương, nhiều đảng viên và hộ gia đình đã không ngần ngại cắt lúa đang trổ đòng, giải phóng mặt bằng để thôn làm đường và kênh mương. Nhiều tuyến đường trong thôn đã có đèn đường thắp sáng. Năm nay, thôn triển khai làm 1,3 km đường điện thắp sáng. Thôn vận động mỗi hộ đóng góp 550 nghìn đồng. Chỉ sau 1 tuần phát động, các hộ dân đã nộp đầy đủ. Chị Lý Thị Xuân, người dân ở Đồng Danh cho biết: “Tinh thần gương mẫu của đảng viên rất đáng để chúng tôi làm theo. Bởi vậy, khi chi bộ và thôn triển khai các khoản đóng góp, chúng tôi đều được tham gia đóng góp ý kiến dân chủ, công khai và được chi bộ, thôn tiếp thu”. Không chỉ từng bước tự lực kiên cố hóa đường giao thông, đảng viên và nhân dân ở Đồng Danh còn đóng góp tiền của để đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa của nhà văn hóa thôn trở nên khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tinh thần đảng viên đi trước và sự đồng lòng, đoàn kết đã làm cho diện mạo ở Đồng Danh ngày càng bừng sáng, đổi thay để các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu ở đây luôn được duy trì bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết