“Đường có rộng thì nhà mới sang”
Công trình cải tạo, nâng cấp đường từ Công ty 232 đi đường Lê Đại Hành đi qua 3 tổ dân phố 1, 3 và 4, phường An Tường đến nay đã được thảm nhựa phẳng lỳ. Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4 Dương Văn Tuấn hăm hở dẫn tôi đi mục sở thị đoạn đường mà tổ đã giải phóng mặt bằng để tuyến đường được mở rộng. Ngay từ đầu tổ, nhiều hộ dân đã chỉnh trang nhà cửa, xây dựng lại tường bao sau khi hiến đất. Mỗi bên đường được mở rộng vào khoảng 1m đất. Đường mới làm xong, mặt tiền của các hộ trông “sang” hơn hẳn.
Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố Dương Văn Tuấn và Trưởng ban công tác mặt trận tổ 4, Nguyễn Công Tâm, phường An Tường nắm bắt việc xây dựng lại tường bao của các hộ dân hiến đất.
Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4 Dương Văn Tuấn cho biết, tuyến đường đi qua địa bàn tổ 4 có chiều dài khoảng 1.000 m, khi thi công công trình có 79 hộ chịu ảnh hưởng, với 340 m2 đất ở. Trước tình hình đó, chi bộ, tổ dân phố đã tiến hành họp để thông tin về chủ trương, cách thức nâng cấp tuyến đường của thành phố và tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong đảng viên, nhân dân. Nhận thức rõ những lợi ích tuyến đường đem lại, gia đình ông và 21 hộ đảng viên khác trong diện chịu ảnh hưởng đã nhất trí, nhanh chóng tháo dỡ tường bao, bờ rào, đất ở để bàn giao cho đơn vị thi công.
Là người đứng đầu ở chi bộ, tổ dân phố, là đảng viên, cũng là người lính từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đảng viên Dương Văn Tuấn tiên phong thực hiện trước, để bà con nhìn vào, học theo. “Đường có rộng thì nhà mới sang - ông Tuấn bảo thế - Hơn nữa đường rộng, đẹp thì không chỉ đời mình mà đời con cháu mình cũng được hưởng. Hai xe ô tô đi ngược chiều tránh nhau cũng dễ, giao thông không ách tắc nữa thì hiến 14,3 m2 đất hay hơn thì cũng cần chi tính toán và tiếc nuối”.
Cùng với đảng viên Tuấn còn có 21 hộ đảng viên khác cùng hiến đất. Tiêu biểu như hộ gia đình đảng viên Nguyễn Thị Bích Phượng, Nguyễn Văn Thu, Bùi Thị Xuyền...
Ông Nguyễn Công Tâm, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận tổ 4 là cán bộ ngành giáo dục nghỉ hưu. Lâu nay, chứng kiến cảnh học sinh trường tiểu học, THCS An Tường mỗi buổi đến trường và tan trường đoạn đường đông đúc, chen chúc ách tắc, chưa kể nhiều đoạn xuống cấp ngập úng mỗi khi trời mưa. Nhìn phụ huynh, học sinh và con em mình đi lại vất vả, ông xót lắm. Khi biết có chủ trương mở rộng tuyến đường, ông cùng gia đình đã tự giác tháo dỡ giàn hoa sử quân tử đang rực rỡ, phá cổng, tường bao, xây lùi vào 7 m2 đất ở để mặt đường được mở rộng. Khai giảng năm học mới vừa qua, niềm vui của học sinh và phụ huynh như nhân đôi khi được đi trên con đường đẹp đến trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đảng viên Nguyễn Công Tâm tâm niệm, mình phải “mực thước cho người ta bắt chước”. Hơn nữa, nhìn từ các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh hay Thủ đô Hà Nội, “đất vàng” ở đó người ta còn hiến được thì đất ở đây mình cớ gì mà không thể hiến tặng.
Từ phường An Tường, theo Quốc lộ 2 tới km11 (Tuyên Quang - Hà Nội), chúng tôi rẽ phải vào tổ 8 phường Đội Cấn. Đi trên con đường bê tông to đẹp, phẳng mịn, chạy uốn quanh những đồi chè xanh biếc, cảm thấy sức sống mới ở mảnh đất phía nam thành phố đang phát triển từng ngày.
Ngôi nhà xây 2 tầng của ông Nguyễn Duy Nhất, Chi hội trưởng CCB tổ 8 nằm ngay bên con đường bê tông. CCB Nhất dẫn chúng tôi đi thăm con đường chạy lên khu đồi trồng chè rộng hơn 1,1 ha của mình. Vừa đi, người cựu binh này vừa hồ hởi kể, trước ông công tác ở Trung đoàn 148, sau khi ra quân, ông trở về địa phương và phát triển mô hình trồng chè. Đến nay ông đã gắn bó với công việc trồng chè hơn 20 năm. Từ thu hoạch chè búp, gia đình ông thu lãi hơn 70 triệu đồng/năm.
Trước đây, con đường lên khu vực trồng chè này toàn là đường đất, nhỏ hẹp. Nếu gặp trời mưa thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ô tô không thể vào thu mua chè được. Các hộ trồng chè khi thu hoạch lại mất thêm công, thêm tiền để vận chuyển chè đi bán. Năm 2021, niềm vui của người dân như được nhân lên bội phần, khi nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí làm đường bê tông vào khu tưới tiêu của Dự án trồng chè chất lượng cao này. Cơ hội đến, nhân dân phấn khởi lắm nhưng ban đầu thì còn so đo, tính toán.
Chi hội trưởng CCB tổ 8, phường Đội Cấn Nguyễn Duy Nhất (bên phải) tiên phong hiến đất làm đường.
Thấu hiểu tâm lý của bà con, là đảng viên, là người lính bộ đội cụ Hồ, ông Nhất đã tiên phong phá bỏ 1 hàng chè, 1 hàng cây xoan đang phát triển, hiến trên 300 m2 đất để mở rộng đường. Đồng thời, cùng với chi ủy tuyên truyền, giải thích rõ cho bà con hiểu được chủ trương, nắm bắt được cơ hội; hiểu được những lợi ích khi tuyến đường được bê tông hóa, Nhà nước đầu tư thế nào để thuận lợi cho nhân dân… động viên bà con cùng thống nhất thực hiện. Kết quả, các hộ hiến đất đến đâu, nhà nước làm đường tới đó.
Hơn 2,5 km đường bê tông rộng 7 m, có đủ hệ thống rãnh thoát nước nay đã phẳng phiu, xe ô tô đi tới tận chân đồi để thu mua chè vô cùng thuận tiện.
Vì sự phát triển chung
Đường vào thôn 12, xã Kim Phú là đường liên thôn nối Quốc lộ 37 mới với Quốc lộ 37 cũ, giáp ranh với xã Hoàng Khai (Yên Sơn) giờ như “phố” ở trong làng. Hai bên đường nhà cao tầng san sát, các cửa hàng dịch vụ cứ thế phát triển, rất nhộn nhịp.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 12 Hoàng Lương Điều bảo: “Thật sung sướng khi tuyến đường được nâng cấp từ 3 m lên 4 m, dày 20 cm, dài hơn 1.100 m với hệ thống cống rãnh thoát nước đầy đủ đã hoàn thành. Giờ đây, không còn cảnh nước mưa gây ngập úng đường nữa. Bọn trẻ đến trường không bị bẩn áo quần, giày dép nữa. Hai ô tô tránh nhau dễ dàng. Chất lượng cuộc sống của người dân ở thôn được nâng lên rõ rệt”.
Để làm được điều đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, các hộ dân đã đóng góp cát, sỏi, ngày công và kinh phí, đặc biệt nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất để tuyến đường được mở rộng ra thêm. Trong đó, có các hộ đảng viên gương mẫu như: Ông Hoàng Văn Thái, bà Nguyễn Thị Minh Tân... Cá nhân ông Điều cũng đã vận động các thành viên trong gia đình hiến 75 m2 đất. Ông bảo, nhờ có sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên, cùng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, việc hiến đất mở đường, bê tông hóa đường liên thôn luôn được bà con đồng thuận, ủng hộ cao.
Thôn 9, xã Lưỡng Vượng có 148 hộ nhưng có tới hơn 70% là người dân tộc Cao Lan, còn lại là dân tộc Kinh. Người dân nơi đây đa phần thu nhập từ nông nghiệp. Gần chục năm trước, tuyến Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đem lại rất nhiều thuận tiện cho việc thông thương. Nhưng khi con đường làm xong thì thôn 9 bị chia cắt làm 2 nửa. Việc mở một con đường dân sinh đi xuyên qua cống chui của đường tránh là việc làm cần thiết để việc đi lại của người dân trong thôn thuận tiện và đảm bảo an toàn giao thông.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trần Văn Sửu kể lại, khi triển khai thực hiện chủ trương này, thôn đã gặp không ít khó khăn vì đây là đường mở mới. Khi ấy, ông Nguyễn Thành Hiến, đảng viên của chi bộ đã quyết định hiến 360 m2 đất vườn để thôn thi công tuyến đường. Nhờ sự tiên phong của ông Hiến mà thôn mới hoàn thành hơn 300 m đường bê tông bằng phẳng, sạch sẽ.
Ông Hiến năm nay 87 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng. Trước đây, ông là bộ đội chống Pháp. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, lụp xụp, người con gái ông Hiến nằm liệt giường từ nhiều năm nay do tai nạn giao thông. Ông bảo, đất vườn có nhiều ông đóng góp chút ít để bà con có đường tốt đi lại cho an toàn. Tất cả là vì việc chung, là trách nhiệm của đảng viên thôi...
Những tuyến đường mới thênh thang phơi phới, như tấm lòng vì việc chung của những đảng viên nơi này. Họ đã quên đi lợi ích cá nhân để vì tập thể, vì cái chung, hy sinh lợi ích của mình để tô điểm cho cái đẹp chung của tập thể, của cộng đồng, để thành phố Tuyên Quang ngày càng thêm sáng thêm tươi.
Gửi phản hồi
In bài viết