Youtuber với hành trình... việc tử tế

- Không qua khóa đào tạo nào, không lên kế hoạch xuất bản nội dung, không kịch bản, không diễn viên… kênh Youtube Đông Bắc Quê Tôi của anh Long Xuân Chiến, dân tộc La Chí, tổ dân phố Luộc 2, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đã sản xuất trên 900 video, nhiều video thu hút hàng triệu lượt xem. Kênh đạt nút bạc năm 2018 chỉ sau 1 video 1 triệu “view” (lượt xem), thu hút trên 208.000 lượt theo dõi. Bốn năm qua, Đông Bắc Quê Tôi chạm đến hàng triệu trái tim, lấy đi nước mắt của hàng triệu người từ dấu chân của anh Chiến trên hành trình làm việc tử tế…

Hành trình của tình yêu thương

“Xin chào quý cô bác và các anh chị! Em đang có mặt ở ngôi nhà sắp đổ. Mà có thể nói, ngôi nhà này thuộc diện đổ nát “bậc nhất” trên kênh Đông Bắc Quê Tôi. Đây là ngôi nhà của chị Đặng Thị Linh, anh La Anh Tuấn, thôn Nà Nhoi, xã Tân Mỹ. Ngay sau khi nhận được thông tin từ Huyện đoàn Chiêm Hóa, nay em ghé thăm nhà”…

Lối dẫn dắt cho mỗi thước phim của Đông Bắc Quê Tôi đều giản dị, chân thực như vậy. Độ dài của mỗi câu chuyện trên dưới 30 phút. Không phô trương màu mè, không mỹ từ bởi nội dung thước phim và từng nhân vật đều là người nghèo, việc thật, cuộc hội thoại chân thật giữa anh Chiến và các nhân vật.

Xem lại các video của từ cách đây 3, 4 năm, nhiều video khiến tôi bật khóc.  900 video là những câu chuyện xúc động, là diễn biến từ quá khứ đến hiện tại của trên 40 mảnh đời bất hạnh được đổi thay nhờ sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Mỗi người một thân phận: mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình quay lưng hắt hủi, sống ẩn dật ở những nơi mà tưởng chừng thế giới này đã lãng quên họ… họ đều là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Anh Chiến gọi họ là những người cùng cực.

Anh Long Xuân Chiến (bên trái) phối hợp với Huyện đoàn Chiêm Hóa rà soát hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo

Đằng sau hình ảnh chủ kênh Youtube triệu “view” là sự tất bật, bộn bề; là những công việc không tên mấy ai thấu hiểu. Đa phần thời gian còn lại của anh dành cho việc thiện nguyện. Nào là nhận đồ hỗ trợ các mạnh thường quân rồi phân loại, trao tận tay các hoàn cảnh mà anh kêu gọi; nào là mua bán vật liệu, cùng ăn, cùng ở với đơn vị giám sát các công trình nhà ở được xây dựng từ nguồn hỗ trợ. Rồi thể theo nguyện vọng của các mạnh thường quân, anh lại lên đường, trở lại thăm những hoàn cảnh từng được hỗ trợ để báo cáo với mạnh thường quân cuộc sống họ giờ ra sao...

Anh Chiến bộc bạch, mỗi tháng được Youtube trả khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Số tiền đó một phần để lo cho gia đình, một phần anh trang trải cho những chuyến đi, chi phí phát sinh trong quá trình giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

- Từng là chủ của 3 cửa hàng buôn bán, sửa chữa điện thoại, tập làm youtube vì đam mê... Ngã rẽ nào khiến anh bước vào hành trình mới trở thành cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái với những người yếu thế? - Tôi hỏi anh Chiến.

Anh Chiến kể: Tôi vốn yêu rừng, thích phiêu lưu trong rừng nên tôi lập kênh Youtube năm 2018 với định hướng sẽ chia sẻ những gì mà mắt thấy, tai nghe, trải nghiệm, bản năng sinh tồn khi sống ở rừng. Tôi đã làm được khoảng 20 video về nội dung đó. Một lần, tôi được 1 người dân rủ đi rừng ở Bắc Kạn, khám phá nơi ở của 1 gia đình bà cụ tận rừng sâu thuộc thôn Phia Khao, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn. Chuyến đi đầy vất vả, gian truân và cuộc thăm viếng bất ngờ khiến tôi thực sự đau lòng trước cuộc sống vô cùng thiếu thốn của bà cụ. Ngôi nhà tạm được ghép bằng thân tre nứa, không điện, không gạo, thức ăn chỉ là ngô xay nấu thành bột, cháo. “Thăm ngôi nhà bà cụ nghèo nhất Việt Nam” với độ dài 20 phút thu hút được hơn 1 triệu lượt xem, khiến Đông Bắc Quê Tôi đạt luôn nút bạc. Hàng nghìn bình luận xin anh kết nối ủng hộ nhu yếu phẩm thường xuyên cho bà Đặng Thị Mướng (bà Nhì) cùng cháu trai Đặng Văn Thân. Anh Chiến bất đắc dĩ bước vào hành trình mới trong cuộc đời mình kể từ đây.

Thắp sáng những phận đời cùng cực

Xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) chứng kiến nhiều duyên nợ của anh Chiến với nơi này. Suốt 2 năm liền, anh Chiến kết nối, nhận hỗ trợ tiền mặt của các nhà hảo tâm để mua thực phẩm, vật dụng sinh hoạt rồi tự lặn lội vào sâu trong rừng trao cho bà Nhì, cháu Thân. Anh cũng vận động bà ra định cư ở trung tâm thôn để Thân được đến trường thuận lợi hơn. Năm 2020, bà Nhì đồng ý chuyển nhà. Bà được lãnh đạo xã cấp đất ở, các nhà hảo tâm hỗ trợ 300 triệu đồng. Ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng của bà Nhì lợp mái tôn, 2 phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh khép kín. 150 triệu đồng còn lại, anh Chiến làm sổ tiết kiệm cho bé Thân. Tất cả quá trình đến đi, diễn biến sự việc, quá trình làm nhà, tiền ủng hộ, chi tiêu… đều được anh Chiến công khai trên kênh của mình. 

Tại Bản Thi, anh Chiến giúp gia đình chị Triệu Thị Trình nhận được hỗ trợ 800 triệu đồng. Gia đình chị Trình cũng bỏ rừng về trung tâm thôn ở, được xây nhà ở 170 triệu đồng, có 300 triệu đồng gửi tiết kiệm. Số tiền còn lại 200 triệu đồng, chị gửi lại cho anh Chiến để giúp cộng đồng. Anh Chiến lại dùng số tiền này để đổ đường bê tông trong thôn của xã Bản Thi.

Bốn năm qua anh Chiến đã góp phần “đánh thức” nhiều thân phận nhỏ nhoi, sống lay lắt, tạm bợ giữa cuộc sống này. Tính đến thời điểm này, các mạnh thường quân trong và ngoài nước đã hỗ trợ khoảng 7,6 tỷ đồng cho các nhân vật trên Đông Bắc Quê Tôi. Tại Bắc Kạn, anh Chiến đã kêu gọi hỗ trợ xây dựng 2 phòng lớp học, 4 ngôi nhà dân với trị giá 1,5 tỷ đồng. Tại Tuyên Quang, đã có 36 căn nhà được xây dựng, trị giá khoảng 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có trên 600 triệu đồng được gửi tiết kiệm; 58 suất học bổng trao cho trẻ em nghèo; hàng chục con bò, lợn được trao cho các hộ với trị giá hàng trăm triệu đồng.

 

Những ngày này, anh Chiến tất bật giám sát xây dựng công trình nhà ở của vợ chồng chị Linh, anh Tuấn ở xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa). Sau 1 tháng kể từ ngày đăng video “Ngôi nhà đổ nát chưa từng thấy của vợ chồng nghèo khuyết tật và bữa cơm 5 nghìn đồng xót xa”, các mạnh thường quân trong và ngoài nước đã ủng hộ anh chị được trên 200 triệu đồng. Ngôi nhà được khởi công đầu tháng 9 vừa qua.

Anh Tuấn xúc động:

- Khát khao 1 ngôi nhà kiên cố bao nhiêu nay mà giờ thành hiện thực nhanh quá nên chúng tôi tưởng chừng như đang mơ vậy. Chúng tôi xin cảm ơn các mạnh thường quân và anh Chiến đã đem đến cho chúng tôi một mái ấm ấm tình người.

“Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối với anh Chiến hỗ trợ xây dựng được 5 Ngôi nhà 26-3 với trị giá 900 triệu đồng. Anh Chiến là người tận tâm, trách nhiệm. Chúng tôi kỳ vọng, dưới sự hỗ trợ của anh Chiến, sẽ có nhiều đối tượng yếu thế, được trợ giúp về nhà ở để yên tâm lao động, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” - anh Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Tỉnh đoàn cho biết.

4 năm không phải là dài nhưng cũng đủ để anh Long Xuân Chiến nếm đủ hỷ, nộ, ái, ố trong hành trình làm người tử tế. Mỗi chuyến đi, mỗi việc làm, mỗi thước phim giống như hơi thở của anh. Bên cạnh sự tin tưởng, động viên, đồng hành của nhà hảo tâm trong suốt bao năm qua, anh cũng nhận không ít lời rèm pha, nghi kỵ.

“Chúc anh có thật nhiều sức khỏe. Rất mong có nhiều nhà hảo tâm quyên góp để cho anh đi từ thiện nhiều hơn nữa. Cám ơn vì trên đời vẫn còn những tấm lòng như anh”. “Chiến ơi! Cố gắng lên nhé. Ai mà được gặp Chiến là cuộc đời tươi sáng lên rồi”… Những lời cổ vũ, động viên của hàng trăm nghìn người xa lạ đang tiếp sức cho anh Chiến vượt mọi khó khăn trong hành trình làm việc tử tế của mình.

Phóng sự: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục