Con đường khổ ải
Cơn mưa bất chợt ập đến, kéo dài gần tiếng đồng hồ làm cho cuộc hành trình chúng tôi đến thôn Cầu Khoai trở nên khó khăn hơn. Con đường vào thôn trở nên lầy lội, đường như ruộng thụt cùng với địa hình dốc khiến ai đi qua đây cũng rợn tóc gáy. Anh Trần Văn Tinh, người dân thôn Cầu Khoai đang cố dắt chiếc xe máy bám theo đoạn đường trơn trượt ngán ngẩm nói, mưa lớn cộng với nhiều xe ô tô chở gỗ nên càng làm cho đường hư hỏng, lầy lội hơn. Ngày nào vợ chồng anh cũng đi lại trên con đường này vất vả lắm, đến trung tâm xã là người lấm lem bùn đất. Mỗi lần đi hầu như ai cũng phải mang ủng đến đầu gối, có người mặc luôn áo mưa bên ngoài để lỡ ngã cũng đỡ bị bẩn. Dù đã quá quen địa hình, đường sá nhưng anh Tinh cũng phải vừa đi vừa dò dẫm cẩn thận lắm thì mới thoát “vồ ếch”.
Đường về Cầu Khoai những ngày mưa.
Cầu Khoai nằm cách trung tâm xã khoảng 11 km, phải mất gần tiếng đồng hồ đi xe máy, chúng tôi mới đến nơi. Ở đây, đất rộng, người thưa, xung quanh là thâm u núi rừng. Thôn Cầu Khoai có 3 lớp học: mẫu giáo, lớp ghép 1+2 và lớp ghép 3+4+5 với 28 em học sinh. Thầy giáo Lâm Quang Bình, giáo viên dạy tại điểm trường Cầu Khoai cho biết, thầy dạy ở trường trung tâm, được điều động về Cầu Khoai thời gian lâu rồi. Mỗi ngày đến trường thầy phải vượt quãng đường 11 km, đấy, anh chị biết đấy, đường đi lối lại vất vả nhường nào. Trời mưa, muốn lên Cầu Khoai thì chỉ đi bộ, nhiều lần anh từng bị ngã xe thế là phải gửi phương tiện dưới chân núi, đi bộ đến trường.
Khó trăm bề
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phương Văn Hải buồn rầu nói: mỗi mùa mưa đến là người dân Cầu Khoai gần như bị cô lập với bên ngoài. Thôn có 60 hộ, 271 nhân khẩu, 95% là dân tộc Sán Chay thì có tới 52 hộ nghèo, cận nghèo.
Theo ông Hải, những năm qua, mặc dù bà con đã xoay xở đủ cách để thoát nghèo, song do xuất phát điểm thấp cùng những khó khăn về địa hình, cơ sở vật chất, gây cản trở sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân. Toàn thôn có hơn 10 ha ruộng, hơn 100 ha đất rừng sản xuất, hơn 300 con dê, trâu, bò. Vào mùa vụ, từ việc thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm cũng khó trăm bề. Hàng hóa của người dân bán ra thì rẻ gấp 2, 3 lần so với thị trường, còn hàng hóa người dân mua vào thì đắt hơn như vậy cũng chỉ vì đi lại quá khó. Ngoài trồng lúa, trồng rừng, thời gian nông nhàn, phụ nữ trong thôn đi cấy, gặt thuê; còn cánh đàn ông đi bốc vác thuê, làm thợ xây. Một ngày, mỗi người kiếm được 100.000 - 250.000 đồng nhưng việc bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Điểm trường của thôn Cầu Khoai.
Cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng mãi người dân Cầu Khoai không chỉ bởi sự xa xôi, cách trở mà còn bởi việc tiếp cận khoa học, kỹ thuật, kiến thức còn khó khăn. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cầu Khoai Phương Văn Hải, do đất rộng, người thưa nên việc triển khai tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất khó khăn. Hệ thống loa truyền thanh của thôn không thể kéo dài đến từng hộ. Trong thôn có 10 hộ sống ở khu vực không có sóng điện thoại, mỗi khi muốn thông tin vấn đề gì phải đến từng nhà. Do vậy, việc nắm bắt thông tin của người dân cũng rất “phập phù”. Cả thôn đến nay có 5 người học xong cao đẳng, đại học. Trẻ em ở Cầu Khoai học hết cấp 3 là nghỉ, đi làm thuê kiếm tiền. Hơn nữa, việc học hành của các em cũng khó, bởi con đường là trở ngại.
Nhen lên ngọn lửa...
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phương Văn Hải cho biết, tuy vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhưng người dân trong thôn luôn đoàn kết, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, vượt khó tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế, điển hình như gia đình anh Hoàng Văn Thi, Trần Văn Hậu, Bạch Văn Xềnh, Bạch Văn Sửu…
Theo chân ông Hải, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bạch Văn Sửu. Ông Sửu chia sẻ, những năm trước, gia đình ông cũng sống bằng mấy sào ruộng, trồng ngô, sắn. Thu nhập 1 năm chỉ đủ ăn mấy tháng. Nhưng nhờ sự vận động, giải thích của cán bộ, ông đã nhận ra những thuận lợi của địa phương mình. Từ đó, ông quyết tâm đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã trồng được gần 10 ha rừng keo, nuôi hơn 50 con lợn/lứa. Cuộc sống gia đình ông bây giờ không còn lo đói và cũng khấm khá nhất thôn. Ấy là kết quả từ sự nỗ lực của gia đình ông đã mạnh dạn từ bỏ lối canh tác lạc hậu, tìm ra một con đường mới cho bà con trong thôn học tập và làm theo.
Từ trồng rừng giúp người dân Cầu Khoai có thu nhập.
Những tia hy vọng về hành trình thoát nghèo ở Cầu Khoai càng được nhen lên khi chúng tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh. Đồng chí Vinh nhấn mạnh, việc tìm cách xóa nghèo cho bà con Cầu Khoai là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền xã. Nhiều giải pháp và cách làm được đưa ra để giúp bà con ổn định cuộc sống, trong đó việc cần làm trước mắt là huy động thêm vốn đầu tư để mở đường giao thông, trong giai đoạn 2022 - 2025 phấn đấu hoàn thành 350 m đường bê tông nội thôn; ưu tiên hỗ trợ 4 hộ gia đình xóa nhà tạm, nhà dột nát; tạo điều kiện cho bà con vay vốn chăn nuôi, trồng rừng; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất...
Với những giải pháp cụ thể của xã, nhất là đầu tư xây dựng đường giao thông, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, Cầu Khoai sẽ bứt phá trong thời gian tới. Chúng tôi tin như vậy.
Gửi phản hồi
In bài viết