Theo những mùa hoa
Trong câu chuyện anh Triệu Văn Cường, người Dao thôn Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) kể về quá trình làm nghề nuôi ong, có thời điểm được ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hành trình theo đàn ong bắt đầu từ đầu năm đến tận cuối tháng 12, công việc cứ thế cuốn hút anh miệt mài, rong ruổi cùng đàn ong… Anh bảo, nơi nào có hoa thơm cỏ lạ thì người nuôi ong tìm đến. Con ong ở đâu thì con người cũng sẽ ở đó. Cứ vài tháng người chăn ong lại di cư theo những mùa hoa. Rồi phải theo sát ong từng giờ, từng ngày ở những vùng đất mới và chăm sóc kỹ càng như chăm con thơ.
Anh Triệu Văn Cường (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm nuôi ong với người dân trong huyện.
Tháng ngày đó, hành trang anh Cường mang theo là hàng trăm thùng ong cùng những lều bạt đơn sơ được cuốn gói vội vàng. Quy trình di dời đàn ong từ vùng đất này đến vùng đất khác khá phức tạp, chỉ có thể di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến ong và đảm bảo ong đã về hết tổ. Đêm đến, qua 7 giờ tối, khi tất cả đàn ong đều đã vào thùng, thì người nuôi ong mới đóng nắp lại, bốc vác lên xe và di chuyển chầm chậm trong đêm.
Từ tháng 1 đến tháng 4, vào mùa hoa mơ, mận, nhãn, xoài, bơ nở, anh Cường lại chở đàn ong đến xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) hay chạy xuôi về Bắc Giang, Bắc Ninh để hút mật vải nhãn. Từ cuối tháng 4 đến tháng 7, đưa đàn ong về các xã ở huyện Hàm Yên lấy mật keo. Còn đầu tháng 9 đến tháng 11, lại mang ong theo hành trình lên Quản Bạ, Đồng Văn (Hà Giang) để lấy mật bạc hà.
Nhờ di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nên chất lượng mật của ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau. Anh Cường chia sẻ, nếu nuôi ong mà không di chuyển theo những mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì có lẽ ong sẽ đói, chết nhiều, thậm chí có đàn còn bỏ tổ bay đi lên núi.
Khi đi đến những vùng đất lạ thường bị nhắc nhở, nghiêm cấm không cho đặt ong. Câu chuyện mà anh Cường nhớ mãi, có lần đưa ong lên Quản Bạ (Hà Giang) để hút mật bạc hà, cả bản người Mông chạy ra thu hết đõ ong. Họ nói ở đây bà con cũng nuôi ong lấy mật thế nên ong nơi khác đến là tranh mất nguồn thức ăn của ong bản địa. Cũng phải mất gần 1 ngày trời, anh Cường mới “dân vận” thành công để đồng bào trả lại đõ ong. Sau đó, anh cũng đặt vấn đề cho thuê địa điểm để ong được thỏa thích hút mật. Cách trò chuyện chân thành, giá cả lại hậu hĩnh nên bà con bản địa đồng ý ngay. Anh Cường bảo, làm kinh tế đôi khi mình cũng phải biết lùi, biết tiến, chia sẻ lợi nhuận cho mọi người, có thế mới phát triển lâu dài được. Bởi “muốn đi nhanh thì đi một mình và muốn đi xa phải đi cùng nhau” mà.
“Mười thương” nuôi ong…
“Một thương ong chúa đẻ nhiều/Hai thương ong thợ dập dìu vào ra/Ba thương ong đực mượt mà/Bốn thương trùng trứng nõn nà dễ chăm/Năm thương cầu ong mượt mà/Sáu thương phấn bạc các phần đều dư/Bảy thương hoa nở tốt tươi/Tám thương mưa gió mát lành bình an/Chín thương ong đẹp vườn nhà/Mười thương giọt mật sánh vàng ngọt thơm”. Chàng trai người Dao khá dí dỏm với cách trò chuyện duyên dáng. Anh Cường đọc cho tôi nghe đoạn thơ mà cánh thợ ong truyền tai nhau, hát hò trên con đường du mục với nghề.
Anh Triệu Văn Cường thường xuyên thực hiện đăng bài quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội.
Anh Cường tốt nghiệp Khoa Xây dựng cầu đường của một trường cao đẳng tại Hà Nội, sau khi bôn ba mấy năm trời, anh quyết định về quê lập nghiệp, lặn lội mấy tháng trời xuống Ba Vì (Hà Nội) học nghề nuôi ong. Chàng trai hơn 20 tuổi, lấy vợ ra ở riêng, có đồng vốn gần 100 triệu đồng đã liều lĩnh đầu tư toàn bộ cho lần khởi nghiệp đầu đời này.
Mấy tháng sau khi đón 100 đàn ong về vườn nhà, anh Cường đã gần như rơi vào khủng hoảng khi chứng kiến lần lượt từng đàn ong bay toán loạn, bỏ tổ ra đi. Lúc đó anh Cường và vợ đứng nhìn trong bất lực, “của đau con xót”, chỉ biết gào thét, gọi ong trong vô vọng. Thế nhưng khi trấn tĩnh lại, anh tự xốc lại tinh thần, quyết tâm ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Anh Cường lao vào tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục ong bỏ đàn.
Anh Cường bảo, quả thực làm cái gì thì cũng phải chú tâm, thận trọng và đặc biệt là phải có tấm lòng. Nuôi ong cũng vậy, phải hiểu đặc tính loài vật này và phải biết yêu thương chúng như người thân trong gia đình mình vậy. Có như thế thì ong mới tận hiến dâng mật.
Ngày đó vì mong thu được nhiều mật nên tham để lại nhiều cầu mong ong nhả mật, vì làm việc quá sức nên ong mới bỏ đi. Nuôi ong có nhiều cái lo, nhất là về thời tiết. Con ong thường chỉ lấy phấn hoa, hút mật vào những ngày đẹp trời. Nếu thời tiết thuận lợi, ong rất cần mẫn đi tìm mồi nhưng khi gặp mưa bão ong cứ ở lì trong tổ dẫn đến ong đói và chết. Bệnh tật của ong có thể ngừa được nhưng “dính” thuốc bảo vệ thực vật thì rất khó lường. Chẳng may ong hút phải hoa mới phun xịt thuốc thì sẽ chết hàng loạt.
Anh Cường đúc kết, nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm ruộng vườn và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm, cẩn trọng.
Gia đình anh Cường có 300 đàn ong cho thu nhập đều đặn trên 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Cường còn năng động phát triển mô hình chăn nuôi dúi khá hiệu quả. Để kích cầu cho sản phẩm, anh tích cực học hỏi chụp ảnh, quay video quảng bá qua các trang mạng xã hội. Có khách hàng ở tận trong Nam và có cả những khách hàng ở nước ngoài đặt mua đều đặn.
Anh Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) cho rằng, đây là mô hình nuôi ong điển hình và hiệu quả, hàng năm được nhiều đoàn khách trong và ngoài huyện đến tham quan học hỏi. Bên cạnh đó, anh Cường là một trong những hội viên năng động, không chỉ phát triển riêng kinh tế gia đình, anh còn thành lập các hội, nhóm trên không gian mạng về phát triển kinh tế, thu hút đông đảo thành viên là các hội viên nông dân trong vùng cùng tham gia. Đa số các sản phẩm của anh Cường và các hội viên đều được liên kết, tiêu thụ qua không gian mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết