Người dân dự trữ thực phẩm phòng bão Yagi

- Lo ngại siêu bão Yagi đổ bộ vào đất liền, người dân thành phố Tuyên Quang đã chủ động mua đồ tích trữ từ chiều mùng 6-9.

Dự phòng thực phẩm

Ghi nhận tại các chợ dân sinh thuộc chợ Tam Cờ, chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang), từ chiều 6-9, rất đông người dân đã có mặt tại chợ để mua lương thực. Mặt hàng được người dân mua nhiều nhất là thịt lợn, gà, bò và các loại rau củ.

Người dân Tuyên Quang đi mua thực phẩm dự trữ phòng bão Yagi.

Bà Nguyễn Thị Dương, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Tam Cờ cho biết: “Mặc dù thời tiết có mưa, nhưng trong hai ngày mùng 6 và mùng 7, lượng người đến chợ đông hơn nhiều so với mọi ngày. Nhiều người chia sẻ chuyện bão số 3 sắp về nên cần mua lương thực để tích trữ. Bình thường đến 11 giờ, sạp thịt của tôi vẫn còn nhiều, nhưng nay mới 9 giờ đã hết hàng. Nhất là chiều 6-9, rất đông người dân đến mua thịt để tích trữ". 

Nhiều tiểu thương khác cũng cho biết rất bất ngờ khi thấy lượng khách hàng tăng lên đột biến. Vì lượng hàng vẫn chỉ chuẩn bị như mọi ngày nên những khách đến sau không kịp mua. Sang đến ngày hôm nay, thời tiết thành phố Tuyên Quang có mưa nhiều nên lượng khách có giảm hơn so với ngày hôm qua.

Qua ghi nhận tại các siêu thị từ chiều qua đến nay, lượng khách hàng đến mua thực phẩm tươi sống đều tăng. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Quản lý cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung cho biết, lượng khách tăng đột biến vào chiều qua ở cả 2 cơ sở. Trong đó, mọi người tập trung ưu tiên dự trữ các mặt hàng như thịt, cá, trứng, rau xanh và gạo. Tất cả các mặt hàng thiết yếu đều được khách hàng chọn mua nhiều gấp đôi, gấp ba bình thường. Nắm bắt nhu cầu của người dân, cửa hàng đã kịp thời nhập bổ sung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Huyền, tổ 14, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết: "Bão được dự báo đổ bộ lớn, có thể sẽ khó khăn trong vài ngày tới nên nhân tiện đi siêu thị tôi mua đủ dùng luôn ba ngày. Tôi dự định mua cả bếp gas du lịch phòng trường hợp mất điện. Con tôi bảo mẹ lo xa nhưng phòng còn hơn không".

Còn chị Nguyễn Thị Phượng, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chia sẻ, gia đình chị đông người lại nhiều trẻ con. Vì vậy ngoài các sản phẩm thịt tươi sống, thì nhà chị còn chọn mua thêm các loại mì ăn liền để tiện sử dụng phòng khi mưa bão ngại ra ngoài.

Tại siêu thị Winmart Tuyên Quang, ngoài lượng khách đến mua tại siêu thị, thì hôm nay lượng khách hàng mua hàng online cũng nhiều hơn ngày thường. Các đơn hàng cũng tập trung vào các sản phẩm thiết yếu. Siêu thị có dịch vụ đi chợ hộ nên cũng rất thuận tiện cho khách hàng ở nhà tránh mưa, bão mà vẫn có thực phẩm ship đến tận nhà.

Người dân xếp hàng chờ thanh toán tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP Tâm Hương (TP Tuyên Quang).

Chủ động nguồn hàng

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 6-9, vị trí tâm bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão. Dự báo trong 72-120 giờ tới các khu vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 4, cấp 5 sau tăng lên cấp 6, cấp 7. Từ đêm 6-9 các khu vực trong tỉnh có mưa rào và dông rải rác. Riêng từ ngày 7-9 đến ngày 9-9 có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Trước những dự báo về cơn bão Yagi, các cửa hàng thực phẩm, các siêu thị như Winmart và Winmart+, Siêu thị Khoáng sản đã chủ động dự trữ nguồn hàng đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường.

Ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương  hiện đang vận hành 2 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP Tâm Hương tại thành phố Tuyên Quang cho biết, trong ngày hôm qua và sáng nay, lượng khách mua tăng gấp đôi bình thường. Về nguồn cung, cửa hàng có nguồn thực phẩm do hợp tác xã tự sản xuất từ rau, củ, quả, lợn, gà nên chủ động được. Một số thực phẩm khác, cửa hàng liên kết với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh thì cửa hàng đã kịp thời nhập thêm để phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, Sở Công thương cùng với các sở, ban ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa để điều tiết thị trường. Qua kiểm tra bước đầu, trên địa bàn không xảy ra hiện tượng khan hiếm, sốt giá cục bộ hàng hóa thiết yếu, công tác kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường cũng được các lực lượng chức năng chú trọng.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục