Người dân Nông Tiến tập trung chăm sóc đào Tết

- Cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, người dân làng đào Nông Tiến lại tất bật vào vụ tuốt lá, chăm cây, sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Nông Tiến là vùng trọng điểm trồng đào của thành phố Tuyên Quang. Đây không chỉ là một nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân, cung cấp hoa cho thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn là nét đặc trưng riêng của phường so với các nơi khác trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thế Anh,  Phó Chủ tịch UBND phường Nông Tiến cho biết: Diện tích trồng đào trên địa bàn phường khoảng 12 ha, tập trung nhiều ở các tổ 8, 9, 10 với khoảng 150 hộ trồng đào. Trồng đào đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Thời điểm này, người dân đang khẩn trương tuốt lá, tập trung dưỡng chất cho cây đơm nụ để đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ông Nguyễn Chí Thuật, tổ 8, phường Nông Tiến chăm sóc vườn đào huyền của gia đình.

Cơn bão Yagi dịp tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng đến các hộ trồng đào thuộc tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Ông Nguyễn Chí Thuật, Trưởng ban công tác Mặt trận của tổ cho biết: Tổ 8 có khoảng 20 hộ/130 hộ trồng đào thông ở các triền soi bãi khu vực vành đai đường bờ sông. Vừa qua, bão gây ngập úng khoảng 2,3 ha/2,6 ha diện tích, người dân thiệt hại nặng vụ đào thông.

Nhưng ngay sau khi nước rút, bà con đã tích cực chủ động trồng hoa cúc, rau bắp cải, xu hào, đỗ, đậu thay thế. Ông Nguyễn Lý Khải, tổ 8, phường Nông Tiến cho biết: Mùng 1 vừa qua, những lứa rau, hoa ngắn ngày của gia đình ông đã được thu hoạch mang ra chợ bán, giúp gia đình sớm ổn định cuộc sống, những cây đào còn sót lại cũng đang được gia đình tích cực chăm sóc, kịp cung ứng thị trường Tết. Tuy nhiên, năm nay, dự đoán giá đào sẽ tăng cao, vì năm nay riêng giá đào giống đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Người dân cũng mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nhìn những cây đào thông còn sót lại sau bão vẫn xum xuê lá, ông Thuật bảo: đào thông bao giờ cũng tuốt lá muộn hơn so với đào thế. Đào thế chủ yếu phục vụ công sở và các hộ kinh doanh, họ thuê sớm, nên người trồng đào phải tuốt lá sớm để cây sớm có nụ, có hoa. Còn đào thông, người dân thường tuốt lá muộn hơn, để cây đơm hoa đúng dịp Tết cổ truyền, phục vụ đại đa số người dân vui Xuân đón Tết.

Theo chị Ngô Thị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nông Tiến đất sỏi đá ong trên địa bàn phường với đặc điểm thoáng, thoát nước rất thích hợp để trồng đào. Đào ưa đất thoáng, ẩm, không chịu được úng ngập. Người dân trồng đào trên địa bàn phường rất giàu kinh nghiệm, nhìn cây sinh trưởng phát triển mà mỗi hộ lại lựa thời điểm để tuốt lá riêng cho từng cây. Hiện nay, ở Nông Tiến có 3 loại đào chính là đào thế, đào huyền và đào thông. Kỹ thuật trồng, chăm sóc đào cũng không quá phức tạp, chủ yếu chú trọng phòng ngừa rệp sáp, bọ trĩ và sâu đục thân cho cây đào.

Tổ 9, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) là tổ có số hộ dân trồng nhiều đào nhất trên địa bàn phường. Đồng chí Trần Văn Trí, Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 9 chia sẻ: toàn tổ có 80 hộ/220 hộ trồng đào, chủ yếu là đào thế với diện tích khoảng từ 4,5 - 5 ha, các hộ trồng nhiều nhất của tổ là gia đình anh Sơn, anh Thỏa, chị Minh, chị Tỵ, anh Lưu, anh Định...

Gia đình anh Vũ Văn Thỏa, tổ 9, phường Nông Tiến là hộ có thâm niên trồng đào trên 20 năm, gia đình anh chủ yếu tập trung trồng đào thế với khoảng trên 200 gốc đào. Năm nay, cơn bão Yagi tràn qua, nhưng do vườn đào của gia đình anh ở vị trí cao nên không bị ảnh hưởng gì nhiều. Anh Thỏa bảo: “Mình công phu lắm, mặc dù hàng năm thương lái đều chở đào giống đến tận vườn bán, nhưng mình không mua tại chỗ, mình vẫn cất công đi các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu tìm để chủ động lựa được dáng phôi yêu thích mang về ghép”.

Là một trong những nhà vườn uy tín về đào trên địa bàn phường Nông Tiến, nên chưa năm nào gia đình anh Thỏa phải lo đầu ra của đào. Năm 2023, ngay từ ngày 18 Tết, trên 200 gốc đào thế của gia đình anh đã được các công sở, cơ sở kinh doanh đến tận vườn đeo biển thuê hết. Anh Thỏa bảo, không có giá chung cho các gốc đào, còn tùy thuộc vào thẩm mỹ của cây, gốc nào đẹp sẽ được giá hơn, nhưng giá thuê trung bình dao động từ 3 - 5 triệu đồng/1 gốc. 

Một trong những nhà vườn có vị trí “đắc địa” của tổ 9, chạy dọc ngay mặt phố Lê Đại Hành, phía đường dẫn lên cầu Tình Húc là vườn đào của gia đình chị Lê Thị Minh. Vườn đào của chị có 150 gốc đào thế và khoảng 50 gốc đào huyền. Tay thoăn thoắt tỉa lá, chị Minh bảo, cũng may vườn đào của gia đình chị do có vị trí cao nên cơn bão vừa qua cũng không thiệt hại gì, nhưng năm nay rét muộn, đầu tháng 11 mà thời tiết vẫn nắng nóng như này, người trồng đào lo lắm. Đào ưa tiết trời se se lạnh khoảng 15 - 16 độ, nếu thời tiết cứ hanh khô như này, không tưới không được mà tưới thì đào sẽ bị nở sớm.

Theo kinh nghiệm trồng đào trên 20 năm của chị Minh, cây đào cần nắng, cần duy trì được độ ẩm cần thiết, nhưng cũng cần róc nước, tránh ngập úng. Có nắng thì nụ nhiều và đẹp, bông to, cánh thắm, nhưng thời điểm vặt lá đến Tết Nguyên đán thì lại cần tiết trời se lạnh. Vườn đào nhà chị Minh không chỉ là địa chỉ yêu thích của các công sở, mà khách Hà Nội cũng rất mê vườn đào của gia đình chị, khách ở xa, mua mang cả về Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, những ngày này, người trồng đào phường Nông Tiến đang bám sát diễn biến thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp, hy vọng những ngày tới, thời tiết sẽ thuận lợi, ủng hộ người trồng đào, nhằm đảm bảo nguồn cung, phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025.

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục