Huyện Chiêm Hóa là một trong những địa phương có đa dạng các mặt hàng nông sản với trên 30 mặt hàng như: Gà ri Chiêm Hóa, mắm cá chép ruộng, bánh gai, cá kho, thịt dê Yên Lập, thịt trâu Hùng Mỹ... Nhằm chủ động nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với UBND các xã có sản phẩm chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm, đáp ứng đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường.
Anh Lã Văn Duy, thôn Phong Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn gà của gia đình để kịp xuất bán dịp Tết.
Nuôi gà ri quy mô lớn theo hình thức thả đồi, bình quân lúc nào trang trại của gia đình anh Lã Văn Duy, thôn Phong Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) cũng duy trì đàn gà từ 4.000 đến 4.500 con. Thời điểm này, đàn gà ri của gia đình anh đang được chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo xuất bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Anh Duy cho biết: “Trong dịp Tết này, gia đình đã chuẩn bị khoảng hơn 1.000 con gà phục vụ cho người dân trong huyện và thành phố Tuyên Quang”.
Những ngày này, không khí lao động trên những thửa ruộng rau ở xã Thành Long (Hàm Yên) tấp nập hơn bao giờ hết bởi đây là thời điểm người dân tập trung chuẩn bị nguồn rau phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023. Chị Nguyễn Thị Cây, thôn Hưng Long cho biết: “Mặc dù rau củ, quả ở đây được trồng quanh năm, nhưng gia đình đặc biệt chú trọng vào thị trường trước, trong và sau Tết. Ngoài các loại rau đang cho thu hoạch như: Bắp cải, su hào, cà chua, gia đình chị mới xuống giống một số loại như dưa chuột, hành lá để kịp thu hoạch vào dịp Tết”.
Thời điểm này đang bắt đầu vào vụ thu hoạch cam sành Hàm Yên, những chiếc xe tải đến từ Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh... chất đầy cam nối đuôi nhau hối hả về xuôi phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Ông Lương Văn Nho, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành cho biết, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các thành viên trong tổ trồng cam VietGAP của ông đã chuẩn bị hơn 100 tấn cam để cung ứng ra thị trường.
Anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Tâm Hương (Na Hang) kiểm tra sinh trưởng
vườn rau trái vụ phục vụ người tiêu dùng dịp Tết.
Hợp tác xã Nông sản an toàn Tâm Hương (Na Hang) là một trong những đơn vị liên kết bao tiêu các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cho người dân và cũng là đơn vị trực tiếp sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản tới tận tay người tiêu dùng. Anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc hợp tác xã cho biết: “Hiện nay, với chuỗi 4 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm OCOP và thực phẩm sạch tại huyện Na Hang, thành phố Tuyên Quang và thành phố Hà Nội, Hợp tác xã đã lên kế hoạch nhập hàng các mặt hàng nông sản của bà con để cung ứng cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng đã xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi với hơn 200 con lợn đen, lợn lai lợn rừng, hơn 1.000 con gà thả đồi và 2,5 ha rau trái vụ trồng ở xã Hồng Thái để phục vụ cho người tiêu dùng dịp Tết.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nguồn hàng hóa dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý sẽ góp phần giúp người dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Gửi phản hồi
In bài viết