Chăn nuôi trâu là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, tạo ra công ăn việc làm, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ bãi chăn thả ngày một thu hẹp cùng với đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trâu thấp dẫn đến tỷ lệ trâu sinh sản tự nhiên giảm mạnh, năng suất, hiệu quả kinh tế chăn nuôi trâu thấp.
Công nhân Công ty TNHH MTV Tuyên Yên chăm sóc đàn trâu.
Trước thực tế này, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” đã triển khai Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sinh sản và trồng chế biến cây thức ăn chăn nuôi nhằm phát triển bền vững đàn trâu hàng hóa tại xã Kim Quan (Yên Sơn). Dự án được thực hiện theo 2 hình thức, tập trung và vệ tinh hay còn gọi là nhỏ lẻ. Tham gia vào dự án các tổ chức, hộ gia đình được hỗ trợ trâu giống nền có tầm vóc to, đủ tiêu chuẩn để nhân giống, tránh đồng huyết để lai tạo nâng cao tầm vóc cho đàn trâu trên địa bàn.
Kể từ khi thực hiện dự án, số lượng đàn và tầm vóc trâu của Công ty TNHH MTV Tuyên Yên, thôn Làng Hản, xã Kim Quan đã được cải thiện rất nhiều. Ông Phạm Trung Nghĩa, Giám đốc công ty phấn khởi cho biết, hơn 2 năm thực hiện dự án, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, kỹ sư trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu nái đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Tỷ lệ trâu nái mang thai, đẻ đạt 80%, trước đó tỷ lệ này chỉ đạt 45-50%. Đàn trâu của công ty từ 100 con ban đầu giờ đã tăng lên 180 con. Giống phối là trâu Mura Ấn Độ có tầm vóc to lớn nên cho ra đời những con nghé đạt tiêu chuẩn trọng lượng và sức khỏe, đặc biệt quá trình chăn nuôi thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật khả năng sinh trưởng của trâu F1 tương đương với trâu Mura thuần chủng. Hiện tại đã có 1/3 số trâu nái được thụ tinh nhân tạo lần 2. Theo ông Nghĩa, với những gì dự án mang lại doanh nghiệp ông và nhiều hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư mà không lo thiếu nguồn giống.
Người dân xã Kim Quan ( Yên Sơn) được hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi trâu.
25 hộ dân tham gia dự án theo hình thức vệ tinh đã đạt được những thành quả. Ông Thèn Văn Chung, thôn Kim Thu Ngà hào hứng cho biết, năm 2020 gia đình tham gia dự án được cấp 2 con trâu nái nền và được cán bộ thú y hỗ trợ thụ tinh nhân tạo. Quá trình chăn nuôi, cán bộ thú y hướng dẫn cách thức chăm sóc nên trâu mẹ có sức khỏe tốt, nghé con đẻ ra khỏe mạnh, lớn nhanh hơn trâu bản địa. Hiện tại 2 trâu nái của gia đình ông Chung đã được thụ tinh nhân tạo lần thứ 2.
Không chỉ hỗ trợ trâu giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sinh sản, dự án còn hướng người chăn nuôi mở rộng diện tích cỏ, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh cho đàn trâu.
Ông Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiệu quả từ dự án đã thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn. Nhiều mô hình liên kết chăn nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi trâu, bò sinh sản, thịt đã được hình thành, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Các đại biểu thăm mô hình chăn nuôi trâu tập trung tại xã Kim Quan ( Yên Sơn).
Đánh giá của ngành chuyên môn, dù mới chỉ thực hiện được thời gian ngắn, song Dự án đã mở hướng cải tạo đàn trâu địa phương, giảm hiện tượng cận huyết, đồng huyết nặng, tầm vóc đàn trâu đã có sự thay đổi. Đây chính là giải pháp để đảm bảo phát triển bền vững đàn trâu hàng hóa hiện nay và trong tương lai.
Theo các chuyên gia của chương trình, dự án nhằm tạo dựng mô hình mẫu để nhân rộng trên địa bàn của tỉnh Tuyên Quang và các vùng lân cận. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sinh sản cho trâu sẽ tăng tỷ lệ trâu lai, từ đó tăng khả năng sinh trưởng, sinh sản và tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Gửi phản hồi
In bài viết