Người đi đầu trồng rừng ở Thượng Giáp

- Nước da ngăm đen mang đậm chất sương gió nơi sơn cước, ông Nguyễn Xuân Huế, thôn Nà Thài, xã Thượng Giáp (Na Hang) được nhân dân địa phương yêu mến gọi với cái tên “Ông thầy của nghề rừng”. Bởi ông là người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở đây.

Không để đất trống 

Trong căn nhà xây khá cũ, tường đầy rêu phong, bên ấm trà mạn sánh đặc, ông Huế nắc nỏm kể lại những câu chuyện về quá trình đưa nghề rừng về xã Thượng Giáp. Ông sinh năm 1965, về Nà Thài lập nghiệp năm 2000, được bầu là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, được tiếp cận nhiều văn bản về phát triển kinh tế thời đó. Nhưng chỉ sau khi có Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ về trồng mới 5 triệu ha rừng, nhìn những quả đồi trơ trọi giữa mây ngàn Thượng Giáp do hậu quả của tập tục phá rừng phát nương làm rẫy, ông đã nhận thấy cơ hội đổi đời cho nhân dân đã đến. Ông kể: ngày ấy, Thượng Giáp nghèo lắm, gần như cả xã đều nghèo, nơi đây chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, câu chuyện bị đói diễn ra thường xuyên. Ngày đó, với vai trò cán bộ xã, sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đạp xe vượt hơn 100 km ra trung tâm huyện Na Hang, lên gặp lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT xin cây giống về trồng rừng.

Nhớ những ngày đi vận động nhân dân trồng rừng, ông nói: khi đó nhân dân chẳng ai nghe mình. Toàn xã Thượng Giáp có 2.896 ha đất tự nhiên thì có đến 1.200 ha đất trống. Nhìn thấy tiềm năng rất lớn về cây rừng, nhưng dân họ không tin, nếu muốn tin thì mình phải là người đi đầu. Năm 2002, ông Huế đăng ký với xã tiên phong trồng mới 2 ha rừng. Là cán bộ, ông hứa không làm được ông chịu mọi hình thức kỷ luật. Ông huy động cả gia đình khai phá đất để trồng rừng. Nhân dân quanh vùng thấy ông làm thì cũng tò mò, dò xét lời qua tiếng lại nhưng với bản lĩnh người cán bộ, ông vẫn vững tâm.


Ông Nguyễn Xuân Huế (bên phải) thôn Nà Thài, xã Thượng Giáp (Na Hang) vận động nhân dân chăm sóc rừng.

Ông đã đến từng nhà, vận động từng người, nhưng ông cũng chỉ vận động được hơn 20 hộ dân trồng rừng. Mỗi hộ chỉ trồng khoảng 1 ha, không ai dám trồng nhiều. Đặc biệt có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Vàng, thôn Nà Thài, dù đã đăng ký trồng mới 1 ha rừng, nhưng sau đó lại bỏ giữa chừng. Nếu không hoàn thành sẽ không đủ chỉ tiêu với cấp trên, vì thế ông lại đứng ra nhận phần của ông Vàng để trồng. Dù biết gia đình sẽ cõng thêm muôn phần vất vả, nhưng ông vẫn quyết tâm trồng để hoàn thành mục tiêu, đây cũng là lợi ích chung của toàn xã.  

Sau khi khai phá được tổng 3 ha đất hoang hóa, ông Huế cùng gia đình bỏ công để trồng keo, chăm sóc. Năm đầu tiên cây lớn như thổi, ai cũng trầm trồ, nhưng đến năm thứ 2 cây keo bắt đầu có hiện tượng thối thân, loang dần đến rễ và bị chết. Nhiều đêm ông thức trắng, suy nghĩ. Ông đã bỏ công đi tìm hiểu, mang đất đi kiểm nghiệm dưới thị xã Tuyên Quang khi đó và được tư vấn đất của Thượng Giáp không hợp với cây keo. Người bạn ông tư vấn nên chuyển sang trồng cây mỡ, tuy lâu nhưng sẽ khắc phục điều này.

Năm 2004, ông phá bỏ toàn bộ diện tích keo không hiệu quả, chuyển sang trồng cây mỡ, ngược lại với keo, mỡ lớn chậm những năm đầu tiên. Sau ba năm cây thích nghi với chất đất và bắt đầu lớn nhanh mang lại hiệu quả. Năm 2011, ông Huế bán 3 ha rừng thu được 150 triệu đồng. Người dân thấy ông làm được bắt đầu làm theo.

Khi nhân dân đã thuận

Mất gần 10 năm để khẳng định chủ trương trồng rừng của Chính phủ là đúng đắn và đưa Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống. Ông Huế bắt đầu tự tin đi vận động các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa trồng rừng để phát triển kinh tế.

Thôn Nà Ngoa với những mái nhà cổ của đồng bào Dao có 58 hộ dân, đều là người Dao. Trước đây, thôn có 58 hộ thì cả 58 hộ dân thuộc diện hộ nghèo. Trưởng thôn Chúc Cằn Ngài chia sẻ: ngày xưa người Dao nghèo lắm, mỗi năm canh tác được 1 vụ lúa, nếu thuận thì gọi là đủ ăn, nhưng nếu trời không thương thì đói lúc giáp hạt là chuyện như cơm bữa. Nhiều người dân bỏ nhà, bỏ xứ đi nơi khác lập nghiệp. Người Dao vì thế cứ ít dần đi. Với vai trò là cán bộ, ông Nguyễn Xuân Huế cùng anh Ngài chọn phương án 3 cùng với nhân dân. Cùng ăn, cùng ở, cùng bàn cách trồng rừng. Ông xin chính quyền xã cho nhân dân được khai hoang diện tích đất đồi kém hiệu quả để trồng rừng, sẵn có kinh nghiệm đi trước, ông hướng dẫn các hộ dân Nà Ngoa chọn cây mỡ làm cây chủ lực. Cái hay của cây mỡ chính là không phải chặt bỏ và trồng lại, bởi là cây tái chồi nên sau khi khai thác, mầm non sẽ vươn lên, chọn mầm khỏe nhất và sẽ phát triển thành cây trưởng thành. Nếu có tái trồng chỉ là trồng dặm những diện tích đất trống do quá trình chăm sóc bị hao hụt mà thôi. Nếu như năm 2002, ở Nà Ngoa chỉ có 2 hộ trồng rừng và thoát nghèo thì đến nay, cả thôn 100% các hộ đều có rừng. Toàn xã có xấp xỉ 400 ha rừng, nhà nào cũng có từ     3ha rừng trở lên. Anh Trương Cằn Líu, thôn Nà Ngoa chia sẻ: cá nhân gia đình anh hiện có 3 ha rừng, ngày xưa anh là hộ phản đối mạnh nhất việc trồng rừng trên diện tích đất đồi hoang hóa. Nhưng chính sự chân thành, giúp đỡ của ông Huế, của trưởng thôn mà anh mới có ngày hôm nay. Anh bùi ngùi: “Gia đình cũng vừa bán 3 ha rừng thu được 120 triệu đồng, đây là thành quả có mơ tôi cũng không dám nghĩ đến”. Giờ đây, anh sẽ chuyên tâm vào trồng rừng, quyết tâm thoát nghèo bền vững trên mảnh đất quê hương.

Anh Nông Văn Luân, thôn Nà Thài hiện đang là hộ khá giàu của xã Thượng Giáp. Anh kể: Năm 2002, sau khi có chủ trương trồng rừng, anh được ông Huế chỉ bảo tận tình, nên mạnh dạn trồng mới 1 ha. Cũng thất bại từ cây keo và trồng sang cây mỡ, nhưng anh quyết tâm không nản, bởi lòng tin với người cán bộ xã, anh quyết tâm làm giàu bằng rừng. Năm 2011, anh thu gần 100 triệu đồng tiền bán cây rừng, anh mở cửa hàng bán tạp hóa, nhận thêm đất để phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, gia đình anh có 5 ha rừng, thu nhập mỗi năm cũng được hơn 100 triệu đồng, anh mua được ô tô, xây dựng nhà cửa khang trang nhất xã.

Toàn xã Thượng Giáp hiện có 6 thôn thì cả 6 thôn đều có rừng. Trong đó đi đầu là thôn Nậm Cằm, Nà Thài, Bản Cưởm, các thôn đều có trên 600 ha rừng. Đến nay tỷ lệ phủ xanh đất trồng đồi trọc của xã đạt 100%. Nếu như năm 2002, xã có 45% hộ nghèo, thì đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 30% theo chuẩn nghèo mới. Đồng chí Nguyễn Văn Hằng, Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp đánh giá: toàn xã hiện có khoảng 1.600 ha đất rừng sản xuất, trung bình mỗi hộ dân của xã đều có trên 3,5 ha đất rừng. Rừng phát triển thì bà con trong xã cũng không còn lo thiếu đói như trước đây. Nhưng có ngày hôm nay, không thể phủ nhận vai trò của những người đi đầu như ông Nguyễn Xuân Huế, toàn xã có trên 500 hộ dân thì có khoảng 300 hộ có sự giúp đỡ của ông.

Chiều tà, rời Thượng Giáp trong màu xanh bao phủ khắp các triền đồi, mới thấm thía cái công gây dựng của những người đi đầu. Tôi vẫn nhớ câu chia sẻ của ông Huế: “Lợi ích trồng rừng không chỉ là thấy được món tiền trước mắt, mà nó đem lại lợi ích lâu dài cho đời sống bà con mình. Mất rừng là mất tất cả, đói nghèo sẽ ập đến ngay”.

Ghi chép: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục