Đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt của Báo Quân đội nhân dân năm 2020. Ảnh: Trọng Hải
Dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn tự coi mình là “nhà báo”, là đồng nghiệp của tôi. Chính vì thế, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thấu hiểu và quan tâm tạo thuận lợi nhất cho các nhà báo tác nghiệp. Ngoài sự khâm phục về tài năng, đức độ, tôi luôn coi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người thầy và cũng là người đồng nghiệp mà tôi kính trọng nhất.
“Chẳng mấy khi được tâm sự cùng đồng nghiệp”- chúng tôi đã nhiều lần được nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII (sau này là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng) nói như vậy trên những chiếc xe ca đi công tác. Thông thường đồng chí ngồi giữa, cánh nhà báo ngồi xung quanh cùng với một số đồng chí ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Trên xe, Chủ tịch Quốc hội “tranh thủ” khai thác thông tin từ các nhà báo mà đồng chí thường gọi là đồng nghiệp. Đồng chí luôn yêu cầu chúng tôi phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể rằng, ngay từ hồi học phổ thông, đồng chí đã có ước thích nghề làm báo. Lúc đó đồng chí chỉ nghĩ đơn giản là nghề báo "được bay nhảy", "được đi đây đi đó", nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, đồng chí càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với Đại tá nhà báo Đỗ Phú Thọ năm 2020. Ảnh: Trọng Hải
Trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, nhưng dường như cái “máu báo chí” vẫn ăn sâu vào trong tâm trí của đồng chí nên nhiều lúc chúng tôi thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng có những suy tư và hành động như một nhà báo giàu kinh nghiệm. Nhóm phóng viên chuyên trách chúng tôi học được rất nhiều điều bổ ích về nghề báo từ đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm vào dịp Tết Kỷ Sửu (năm 2009) khi tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc Tết Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn. Hôm sau đọc báo, đồng chí nói với tôi “Bài viết của Thọ tốt đấy nhưng có một chi tiết tại sao Thọ lại không đưa vào bài, đó là kiến nghị của một đồng chí bộ đội Biên phòng về chính sách hậu phương quân đội?”.
Nghe đồng chí nói tôi giật mình, lúng túng bởi không ngờ đồng chí lại đọc báo kỹ, nhớ từng chi tiết trong bài báo đến vậy.
Trong những lần đi công tác ở nước ngoài, trước những vấn đề nhạy cảm, chúng tôi viết bài, làm tin thường xin ý kiến trực tiếp của đồng chí và tôi thường được anh em trong nhóm giao làm việc này. Với những lần làm việc như vậy dù trong giờ hành chính hay đến đêm khuya, tôi đêu được đồng chí đọc, sửa từng chi tiết, câu chữ…
Đồng chí đã đi xa nhưng những lời chỉ bảo ân cần của đồng chí về nghiệp vụ báo chí còn đi theo tôi đến hết cuộc đời và sẽ truyền lại cho các thế hệ nhà báo sau này.
Gửi phản hồi
In bài viết