Nêu gương về đạo đức, lối sống
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã nêu gương thực hành tiết kiệm, đoàn kết, gắn bó với đồng chí, đồng nghiệp. Đồng thời luôn quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh cán bộ, đảng viên để từ đó có sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời. Không chỉ có vậy, người đứng đầu còn nêu gương về lề lối, tác phong làm việc, tận tụy, hết lòng với công việc chung, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Tấm gương của đảng viên Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP tư vấn đầu tư giao thông Đường Lâm (TP Tuyên Quang) là một tấm gương điển hình như vậy. Ông Hòa năm nay đã 32 năm tuổi Đảng, hàng chục năm làm bí thư chi bộ, giám đốc của công ty vốn là một doanh nghiệp ngoài Nhà nước có số lượng người làm việc có lúc lên tới 50 người nhưng nhờ tinh thần nêu gương về lối sống, đạo đức của người đảng viên, ông đã chèo lái hoạt động của công ty vượt qua nhiều khó khăn để trụ vững tới hôm nay.
Năm 2015, ông Hòa phát hiện mình mắc ung thư đại tràng, ông phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và truyền hóa chất. Tưởng như sức khỏe đã dần ổn định nhưng ngờ đâu, ông lại bị suy gan, giảm tiểu cầu trong máu, phải đi chạy chữa khắp nơi. Dù sức khỏe giảm sút đi nhiều nhưng khi thấy người lao động trong công ty có sự dao động, ông Hòa quyết tâm đứng dậy để chèo lái công ty. Ông cùng anh em, người lao động trong công ty trực tiếp đến các công trình, dự án để khảo sát, đôn đốc, động viên để các công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Bí thư chi bộ Thèn Văn Minh, thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) vận động nhân dân hiến đất thi công tuyến đường nội thôn.
Đối với người lao động có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, ông Hòa đề xuất với ban lãnh đạo công ty có mức thưởng đặc biệt để khuyến khích. Hiện nay, tất cả người lao động của công ty đều được công ty chi trả 100% chi phí BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Ông Hòa chia sẻ: “Muốn người lao động gắn bó với công ty, mình phải nâng đỡ, tạo điều kiện hết sức cho anh em”.
Với tinh thần không ngừng nêu gương, ông Hòa là cá nhân tiêu biểu được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất Bí thư Tỉnh ủy tặng thư khen trong dịp tới đây.
Nêu gương nâng cao trình độ chuyên môn
Bấy lâu nay, tấm gương sáng ngời y đức, giỏi y thuật của Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư chi bộ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Tuyên Quang được nhiều người biết tới. Đằng sau những thành tích của chị trong công tác khám và điều trị cho người bệnh là sự nỗ lực học tập không mệt mỏi. Ngoài những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi, chị Hà không cho mình phút nghỉ ngơi. Chị dành thời gian đọc sách, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, các bác sỹ tuyến Trung ương để học hỏi những kỹ thuật, phương pháp điều trị mới.
Với tinh thần nêu gương nâng cao trình độ chuyên môn của mình, chị Hà đã cùng với cán bộ y, bác sỹ của bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Trong những năm qua đã có hàng loạt kỹ thuật mới chuyên sâu, chuyên ngành lao và bệnh phổi, trong đó nhiều kỹ thuật vượt phân tuyến đã được triển khai ứng dụng tại bệnh viện; tiêu biểu như: Các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực từ 1 đến 32 dãy có tiêm thuốc cản quang, sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính; nuôi cấy vi khuẩn lao; xét nghiệm Xpert, nội soi phế quản ống mềm chẩn đoán và can thiệp, lấy dịch rửa phế quản để tiến hành nuôi cấy và xét nghiệm Xpert nhằm phát hiện sớm các trường hợp lao khó chẩn đoán và lao kháng thuốc, giúp cho người bệnh được khám chữa bệnh tại tỉnh không phải về tuyến Trung ương.
Đặc biệt trong năm 2022, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật thở máy không xâm nhập, xâm nhập đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng. Với kỹ thuật này đã kịp thời cấp cứu bệnh nhân và cứu sống nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng. Hiện nay, bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật này và được duy trì triển khai tốt tại bệnh viện ở những bệnh nhân lao và các bệnh phổi khác có suy hô hấp, đã có bệnh nhân lao được cứu sống khi được cấp cứu đặt thở máy xâm nhập tại bệnh viện. Chị Hà chia sẻ: “Tôi luôn khắc ghi lời Bác làm việc gì cũng phải “một lòng một dạ”, “toàn tâm toàn ý”, “hết lòng hết sức”. Nếu chỉ làm việc bằng nửa lòng nửa dạ, nửa tâm nửa ý, làm qua loa đại khái, hời hợt, không hết lòng hết sức, được đến đâu hay đến đấy, dân gian gọi là “được chăng hay chớ” thì làm sao có thể gọi là “hết mình”, “hết lòng” với công việc”.
Nêu gương gần dân
Người đứng đầu nếu không nêu gương gần dân sẽ dễ mắc bệnh quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân và thực tiễn. Do đó, học Bác phong cách nêu gương gần dân ở người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thấm nhuần tư tưởng này, Bí thư chi bộ Thèn Văn Minh, thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) luôn gần gũi nhân dân để làm tốt công tác dân vận khéo. 17 năm làm bí thư chi bộ, ông Minh vui với niềm vui của nhân dân, buồn với nỗi buồn của nhân dân. Chẳng thế mà ông đã cùng chi bộ vận động thành công 32 hộ dân hiến hàng trăm mét vuông đất vườn, đất rừng, đất ở để bê tông hóa 4 tuyến đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh với chiều dài trên 1 km.
Không chỉ hiến đất, ông còn vận động nhân dân đóng góp 200 triệu đồng tiền mặt để mua vật liệu, thuê đổ bê tông. Gần dân, nắm bắt được nhiều hộ còn khó khăn, ông đưa ra cách làm là chia thành nhiều đợt đóng góp để các hộ dân bớt đi gánh nặng phải đóng góp một khoản. Ông bảo: “Có hộ phải đóng góp từ 7 - 8 triệu đồng nên rất khó khăn khi đóng một lúc. Do đó phải chia thành nhiều đợt, cán bộ sẽ vất vả đi thu tiền hơn nhưng nhân dân sẽ bớt phải lo lắng”.
Những tấm gương học Bác đi đầu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, gần dân, giúp dân đã cho thấy nêu gương chính là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên để góp phần giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết