Người gây dựng thương hiệu Lạp xường hun mía

- Nhiều năm sinh sống cùng bà con người Tày, Trưởng thôn Lê Quang Hải, thôn 21, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã học hỏi được nhiều “bí kíp”, từng bước đưa các món ăn truyền thống của người Tày như: lạp xường, thịt trâu khô... trở thành món quà quê đặc trưng của xứ Tuyên vươn xa khắp các tỉnh thành. Với anh Hải, thành công hôm nay là sự quyết tâm không ngừng của những tháng ngày vượt qua dò xét người đời.

Cất công lên núi tìm “Khinh phia”

Từng có 8 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, sau khi “giải nghệ” anh Hải trở về địa phương mở hướng mới phát triển kinh tế. Anh lăn lộn với nhiều ngành nghề khác nhau rồi bất ngờ rẽ lối sang ngành thực phẩm từ mùa Lễ hội Thành Tuyên năm 2023.
Lựa chọn của anh là những sản phẩm mang hương vị quê hương, riêng có. Và sản phẩm lạp xường hun mía với tên gọi là “Món quà quê” không chỉ là một sản phẩm để kinh doanh mà còn là sự gần gũi, gửi gắm tình cảm của anh đến với thực khách phương xa. 

Làm lạp xường không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Đặc biệt là sản phẩm tạo ra phải có hương vị đặc trưng mới có sức cạnh tranh với các sản phẩm lâu năm. Anh Hải chia sẻ: Khi sinh sống cùng người Tày, anh luôn chú ý quan sát, học hỏi để chế biến sản phẩm lạp xường hun mía. Nhưng để có được “bí kíp”, thành công được như bây giờ anh đã phải mất một khoản “học phí” cao sau nhiều mẻ lạp xường bị hỏng.

Trưởng thôn Lê Quang Hải.

Được bà con người Tày chia sẻ kinh nghiệm, anh cất công lên núi tìm “Khinh phia”, một loại gừng dại, gừng mọc ở núi đá về làm nguyên liệu tạo cho sản phẩm thơm ngon, hấp dẫn hơn. Đây là loại gừng rất quý và đang được bán với giá khoảng 250 nghìn đồng/kg. Anh tìm hiểu và cẩn thận mang giống về trồng thử nghiệm, rồi nhân giống ngay tại khuôn viên gia đình, với khoảng 200 gốc, tạo một vùng nguyên liệu sẵn có để phục vụ sản xuất.

Năm 2024, anh Hải được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng thôn 21. Với trách nhiệm mới, anh có thêm những trăn trở mới. Anh ấp ủ: vận động một số hộ dân trên địa bàn thôn có đất rộng để ký hợp đồng liên kết trồng gừng núi đá. Anh cấp giống và đứng ra thu mua gừng cho bà con. Đồng thời, mua máy sấy để sản xuất gừng sấy thăng hoa.

Giữ chữ tâm níu chân thực khách

Bước chân vào ngành thực phẩm, ai cũng biết đây là ngành nghề luôn được thị trường đánh giá rất khắt khe. Đối với anh Hải, ngay từ đầu anh đã xác định, giữ chữ tâm trong kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của mình. Ngay từ khi bắt tay vào làm, các sản phẩm do cơ sở anh sản xuất đều được chú trọng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các khâu.

Từ lớp áo của lạp xường (lòng non) đến nhân của lạp xường (các miếng thịt) đều phải được lựa chọn mua ở những nơi uy tín, có chất lượng nhất, được lấy ngay và sử dụng để chế biến ngay trong ngày. Các dụng cụ, đồ dùng sơ chế, tủ sấy... đều phải vệ sinh sạch sẽ, kỹ lưỡng trước khi chế biến. Điều đó đã góp phần lớn tạo nên một sản phẩm chất lượng, thơm ngon hơn rất nhiều, tạo “uy tín” cho khách hàng gần xa.

Anh Hải và người lao động đóng gói sản phẩm.

Anh Hải kể: “Ban đầu, thấy tôi chế biến và bán hàng cho khách đều đặn trên mạng xã hội, hàng xóm dò xét, nghi ngờ chất lượng sản phẩm của tôi sản xuất. Họ kéo nhau đến xem tôi làm ăn ra sao? Nguyên liệu có tươi ngon không? Sau nhiều lần đến, được tận mắt quan sát quá trình chế biến,... dần dà họ đã bị thuyết phục”.

Chính những người hàng xóm đến xem đã trở thành những người lan tỏa để sản phẩm của anh đến mọi người. Thời gian đầu, cơ sở của gia đình anh Hải chỉ bán được  5 - 10 kg/ngày thì nay xuất bán từ 150 - 200 kg lạp xường mỗi ngày cho ba đầu mối bán buôn với số lượng lớn và 50 khách lẻ tại tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đắc Lắc và được bán trên facebook, zalo, tiktok... Sản phẩm làm ra đến đâu đều được thu mua ngay hết đến đó, không có hàng tồn.

Ngoài lạp xường hun mía, anh Hải sản xuất thêm các sản phẩm gồm: thịt lợn sấy khô, thịt trâu sấy khô và thịt ba chỉ hun mía. Hiện cơ sở tạo việc làm cho 7 lao động ở địa phương, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, anh Lê Quang Hải có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao gồm: lạp xường hun mía và thịt lợn sấy khô. Lạp xường hun mía còn được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Các sản phẩm của cơ sở đều có dán tem truy xuất nguồn gốc để khách hàng có thể truy xuất các thông tin và nguyên liệu của sản phẩm.

Con đường để sản phẩm được công nhận đạt các tiêu chí trải qua nhiều khó khăn. Khó khăn về đầu vào, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất... Chính vì cái tâm trong quá trình chế biến sản phẩm, anh Hải đã vượt qua mọi rào cản để khẳng định chất lượng của sản phẩm, tạo uy tín với người tiêu dùng. 

Không chỉ tìm hướng đi cho cá nhân, Trưởng thôn, chủ cơ sở sản xuất lạp xường hun mía Lê Hải còn chăm lo cho cộng đồng. Anh đang có kế hoạch xây dựng nguồn quỹ phúc lợi của thôn từ các sản phẩm mình bán ra để chăm lo cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ, động viên cho người nghèo, người già cô đơn, không có lương; hỗ trợ cho các gia đình có đám hiếu; hỗ trợ kinh phí nộp tiền điện chiếu sáng hay các bữa cơm đại đoàn kết của thôn... Từ đó, tạo ra một cộng đồng dân cư đoàn kết, bao bọc nhau, cùng vươn lên có cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn.

Thu Hương

Tin cùng chuyên mục