Bác sỹ Phạm Ngọc Tân. |
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Dược Thái Nguyên chuyên ngành bác sỹ đa khoa, anh tình nguyện đến Tuyên Quang lập nghiệp. Anh được phân công vào làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tích cực phấn đấu, rèn luyện anh được bổ nhiệm làm Phó trưởng Khoa Cấp cứu. Anh thường xuyên phải điều trị cho những ca bệnh nặng khác nhau, đa dạng các loại chấn thương phải đưa vào cấp cứu. Bác sỹ Tân chia sẻ, hình ảnh những người dân nghèo từ các xã vùng sâu, vùng xa biết bệnh nặng phải đi Hà Nội khám nhưng họ từ chối và chấp nhận số phận cứ ám ảnh anh. Làm sao để những người dân nghèo nơi đây mắc bệnh tim mạch không phải đi Hà Nội để chữa; làm sao để họ có thể điều trị bệnh bằng kỹ thuật tốt nhất tại tỉnh?. Những câu hỏi đó thường trực trong anh, thôi thúc anh đi học nâng cao trình độ để góp phần cứu chữa bệnh nhân.
Suy nghĩ là hành động, năm 2016 bác sỹ Tân đã mạnh dạn đề xuất Ban Giám đốc tạo điều kiện cho đi học cao học về tim mạch và anh thật vui khi đề xuất của mình được chấp nhận. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, có kiến thức có kỹ năng trong tay, anh đã giúp nhiều bệnh nhân ở địa phương phát hiện sớm, hướng dẫn, tư vấn kịp thời để họ tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm do nhồi máu cơ tim... Sau đó, bác sỹ Tân tiếp tục học tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn về can thiệp tim mạch tại Hà Nội.
Ngày 20-6-2020, Phòng can thiệp tim mạch thuộc Khoa Nội - Tim mạch chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Đến nay, sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, phòng đã thực hiện thành công 226 ca bệnh, trong đó cấp cứu khỏi 20 ca ngừng tim, suy tim. Nếu trước đây với những ca bệnh này sẽ phải chuyển xuống Hà Nội, cơ hội khỏi bệnh của bệnh nhân không nhiều vì phải di chuyển quãng đường, thời gian dài, trong khi bệnh về tim cần phải giải quyết kịp thời.
Nói về việc triển khai thành công của các ca can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sỹ Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, có được kết quả này là cả một quá trình phấn đấu của cả một tập thể và sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên và đặc biệt hơn cả là sự đóng góp quan trọng của bác sỹ Phạm Ngọc Tân với vai trò là người đầu tiên, trực tiếp thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch.
Gửi phản hồi
In bài viết