Kết quả nghiên cứu về "tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá" của 34 tỉnh, thành phố trong năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới (từ 15 tuổi trở lên) là 42,3% (giảm 3% so với điều tra năm 2015).
Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố: Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 2,5% đến 12% so với năm 2015. Một số tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Nam và Tiền Giang có tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc giảm từ 8,8% đến 33,2% so với năm 2015.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày càng chuyển biến. Trong giai đoạn 2019-2020, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.927 cơ sở, qua đó xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với số tiền hơn 563 triệu đồng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam hiện có xu hướng giảm nhưng gần đây, ngoài các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. WHO khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của WHO tại Việt Nam, hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao hơn. WHO nhận định, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần người không hút thuốc, từ đó tăng nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và người xung quanh.
Một nghiên cứu xem xét kết quả lâm sàng (đã được công bố) từ 1.099 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 535 bệnh viện trên khắp Trung Quốc cho thấy, 12,4% những người hút thuốc tử vong do mắc Covid-19 cần được đưa vào những đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc phải thở máy. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 4,7% ở những người không hút thuốc.
"Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi nhiễm vi rút. Hành vi hút thuốc đòi hỏi việc chuyển động liên tục từ tay đến miệng, tạo ra đường lây truyền vi rút tiềm ẩn qua miệng, mũi. Cùng với đó, việc sử dụng các ống ngậm dùng chung như thuốc lào, shisha... khiến lây lan SARS-CoV-2. Trong đại dịch Covid-19, có hàng triệu người trên thế giới muốn bỏ thuốc lá vì sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình. Bỏ thuốc lá giúp cải thiện chức năng phổi, đáp ứng miễn dịch và sức khỏe tim mạch, đưa những người hút thuốc trước đây vào tình trạng sức khỏe tốt hơn để chống lại nhiễm trùng nặng như Covid-19", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết