Người mang cây bưởi về Bản Dao

- Một lần được anh Bàn Tiến Trình, trưởng thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) khoe về tiềm năng phát triển kinh tế từ trồng cây bưởi tại địa phương, khiến chúng tôi tò mò. Anh còn say sưa kể về hành trình của người có công mang cây bưởi về với bản Dao nơi đây.

Luôn đi đầu

Nằm ở khúc cua trên đường Quốc lộ 279, ngôi nhà nhỏ của anh Tướng Văn Sáu, thôn Bản Lục  ngổn ngang hàng hóa từ nông sản đến loa đài phục vụ đám cưới. 

Anh Sáu là người giản dị, nhẹ nhàng và cũng khá cởi mở. Từ xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) lên Bản Lục lập nghiệp năm 2005, đến năm 2008 anh lập gia đình. Trải qua bao thăng trầm, lúc đầu vợ chồng anh vất vả mưu sinh, phải đi hái măng thuê, trồng ngô nhưng cũng chỉ tạm đủ ăn.

Năm 2016, một lần về quê nội tại xã Mỹ Bằng, được nếm thử bưởi ngọt Soi Hà được trồng tại quê hương, có vị ngon ngọt, lại dễ trồng, anh nảy ra ý tưởng trồng thử vài cây tại gia đình. Anh kể, ngày mới trồng thử cây bưởi, thấy cây hợp đất phát triển tốt, lớn nhanh và không có sâu bệnh, cuối năm đó, anh chị bàn nhau chuyển đổi toàn bộ 7.000 m2 đất trồng ngô và tre Bát độ sang trồng bưởi trước sự can ngăn của gia đình.

Anh Tướng Văn Sáu.

Tự dò hỏi, anh tìm đến tận các vườn cây ăn quả uy tín tại xã Xuân Vân (Yên Sơn) mua 50 gốc bưởi Soi Hà và 150 gốc bưởi Diễn về trồng.

Anh bày tỏ, người dân ngày đó ai cũng bảo, cây bưởi hoang mọc đầy khắp Bản Lục không ai ăn, gia đình anh trồng bưởi bán thì bán cho ai?

Không nản chí, hai vợ chồng quyết tâm chăm sóc 200 gốc bưởi, tự mình làm đất, tưới cây, nhiều hôm trời nắng hạn dài ngày phải đi gần 3 km chặt lá cọ về che cho cây. Khổ nhất là khi mưa xuống cỏ mọc nhiều, anh chị thay phiên nhau làm cỏ, cộng thêm người dân không “ủng hộ” cố tình thả trâu vào vườn khiến nhiều cây non bị bật gốc gãy ngọn. Anh Sáu phải đổ các trụ bê tông dài 1,5m, tự chôn cọc, rào thép gai quây xung quanh vườn. Anh bảo, chỉ nguyên làm hàng rào cũng mất gần 2 năm để hoàn thành.

Đến năm 2020, cây cho lứa quả bói đầu tiên, mang tặng bà con xóm làng mỗi người vài quả. Nhưng ai ăn cũng chê, họ chanh chua, bưởi vừa he, vừa nhạt, rồi xì xào, bưởi này thì bán cho ai. Thú thật lúc đó vợ chồng anh buồn lắm.

Mãi đến năm 2021, khi ra lứa quả tiếp theo chất lượng khác biệt hơn nhiều, ai cũng tấm tắc khen ngon, làng trên xóm dưới còn chủ động đến mua bưởi của gia đình anh. Cũng từ lúc này người dân thôn Bản Lục mới bắt đầu thấy “sự nghiệp” chuyển đổi trồng cây ăn quả của anh Sáu là đúng và cũng có cái nhìn khác về mô hình.

Ngày càng lan tỏa

Anh Sáu chia sẻ, năm 2021 anh thu được 1.000 quả bưởi, bán được gần 20 triệu đồng, rồi con số cứ thế tăng dần qua các năm và nhiều người dân cũng bén duyên dần với bưởi. Toàn thôn hiện có trên 40 hộ gia đình phát triển trồng bưởi, diện tích hiện đã lên tới trên 8ha.

 Anh Chúc Càn Nái, người Dao sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Lục, anh cũng là người tiên phong thay đổi phá bỏ diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng bưởi. Anh Nái chia sẻ, năm 2021 khi bắt tay làm anh cũng gặp phải sự ngăn cản của chính người thân trong gia đình, ai cũng bảo trồng ngô còn không bị đói chứ trồng bưởi không bán được thì sẽ ra sao?...

Chính những câu hỏi đó thực sự khiến anh phân vân, nhưng tâm niệm muốn làm giàu phải có máu “liều” đã thôi thúc anh thêm quyết tâm làm. Chỉ tay lên vườn bưởi xanh mướt, thẳng tắp theo hàng lối, anh Nái cho biết, năm nay cây cũng bói được vài trăm quả bưởi, tuy chưa ngon do chưa đạt tuổi nhưng với năng suất như này năm sau chắc chắn anh sẽ có thu nhập khá.

Vợ chồng anh Tướng Văn Sáu chăm sóc vườn bưởi Soi Hà.

Dẫn phóng viên chúng tôi đi thăm các vườn bưởi đang kỳ cho hoa thơm ngào ngạt, lão nông Bàn Tiến Chiêu, dù đã hơn 70 tuổi vẫn quắc thước, tráng kiện như thanh niên. Ông Chiêu nhẩm, đợt Tết vừa rồi, gia đình có hơn chục cây bưởi Diễn trồng từ năm 2017 cùng thời với anh Sáu thế mà thương lái ở Hà Giang đến thu mua toàn bộ, giữ mãi mới được một cây để phục vụ gia đình. Ông Chiêu tỏ ra hối tiếc, nếu ngày đó mạnh dạn trồng bưởi trên toàn bộ diện tích đất 0,5 ha của gia đình thì nay có lẽ sẽ có thành quả lớn.

Trưởng thôn Bàn Tiến Trình còn bật mí với phóng viên, anh Tướng Văn Sáu cũng là người đầu tiên mang cây bạch đàn U6 về trồng và hiện sở hữu 27 ha rừng bạch đàn sắp đến kỳ xuất bán. Anh Sáu kể, đi tham quan các vùng trồng cây lâm nghiệp ở tỉnh Yên Bái thấy bạch đàn phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao.

Năm 2019 anh thử nghiệm trồng 2 ha bạch đàn U6, lúc đầu gặp thất bại do mối và dế mèn phá hoại, để khắc phục, anh tự bào chế thuốc, hàng đêm đi xử lý từng gốc có côn trùng để giúp cây sinh trưởng. Anh chia sẻ, trồng bạch đàn vất vả mất 3 tháng đầu tiên, sau đó không cần chăm sóc, loài cây chịu được hạn, có tốc độ sinh trưởng nhanh chỉ sau 4 năm đã cho thu hoạch. Cuối năm 2023 vừa qua, anh Sáu bán 2 ha trồng thử nghiệm đầu tiên thu về 120 triệu đồng và dự kiến đến cuối năm 2025 chắc chắn anh sẽ có tiền tỷ.

Đồng chí Trần Ngọc Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Đà Vị chia sẻ, cây bưởi đặc sản đang là cây trồng mới của xã. Qua đánh giá cây rất hợp thổ nhưỡng địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt và cũng cho năng suất ổn định. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã, cây bưởi cũng được đưa vào danh mục khuyến khích trồng và nhân rộng. Từ một vài hộ gia đình ban đầu đến nay diện tích bưởi toàn xã có trên 20ha tập trung tại Bản Lục, Xá Thị, Phai Khằn, Nà Pục... nhiều hộ có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.    

Là thôn có diện tích rừng lớn nhất xã Đà Vị với trên 700 ha, Bản Lục hôm nay đang bừng sáng giữa đại ngàn, ngày càng nhiều những tấm gương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập khá. Điều đó khiến chúng tôi nhớ đến câu nói của Nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc): “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Ghi chép: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục