Chắt chiu từng mầm sống...
Cởi mở, gần gũi, ân cần đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang. Vừa gặp chúng tôi, lời đầu tiên, chị Giang xin lỗi vì cuộc gặp với chúng tôi không diễn ra theo đúng lịch hẹn. Nhìn ánh mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, mái tóc buộc vội, đôi bàn tay thoăn thoắt lật giở hồ sơ từng bệnh án, dặn dò điều dưỡng lưu ý đến những trẻ mới vào khoa… chúng tôi đã phần nào hiểu được sự bận rộn, vất vả của chị.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Sau khi tốt nghiệp THPT, bác sĩ Giang thi đỗ vào ngành Y. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, trường Đại học Y dược Thái Nguyên, chị về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, chị tiếp tục theo học Thạc sĩ tại Đại học Y Hà Nội, rồi sau đó đến năm 2022 chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Chia sẻ về đặc thù của nghề, chị Giang cho biết: chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nhi là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các bác sĩ, điều dưỡng. Mỗi ngày, cùng lúc, các y, bác sĩ phải theo dõi, chăm sóc cho hàng trăm đứa trẻ, trong đó có những trẻ sinh non, nhẹ cân với nhiều bệnh lý hiểm nghèo. “Có đêm, dù không phải ca trực nhưng khi biết tin có trẻ diễn biến nặng là tôi lại lên đường. Bởi lẽ, tôi lo lắng nếu tôi chỉ chậm trong phút chốc, sợ rằng tính mạng bệnh nhân sẽ nguy kịch”, bác sĩ Giang chia sẻ.
Gần 30 năm công tác, bác sĩ Giang đã cứu sống không biết bao nhiêu bệnh nhi mắc bệnh nặng, trong đó phải kể đến bệnh nhi Đặng Anh Tuấn, 13 tháng tuổi, xã Hùng Lợi (Yên Sơn), nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, hôn mê, co giật. Nguy cơ tử vong cao. Chị Giang tâm sự, hôm đó vào khoảng gần 1h một ngày cuối năm 2014, ngoài trời mưa tầm tã, thời tiết lạnh, kíp trực ngày hôm đó tiếp nhận một cháu bé trong tình trạng co giật, sốt cao, có tiên lượng xấu cần bác sĩ đến cùng hội chẩn. Vừa dứt cuộc điện thoại chị đã tức tốc lên đường… Sau khi kiểm tra chụp city và làm các xét nghiệm thì phát hiện cháu bị viêm màng não mủ. Một bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em. Sau 2 tuần nhập viện, chị cùng đội ngũ y, bác sĩ của khoa điều trị tích cực, tình trạng của cháu bé đã thuyên giảm rõ rệt. Bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình và cán bộ trong khoa - bác sĩ Giang nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sàng lọc cho trẻ trên địa bàn xã Yên Lâm
(Hàm Yên).
Ca chữa trị bệnh thành công cho cháu Đặng Phương Thảo, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cũng để lại cho bác sĩ Giang nhiều cảm xúc. Cháu Thảo nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải hỗ trợ máy thở, bệnh diễn biến nặng. Gia đình cháu nghèo, không có tiền điều trị nên sau khi điều trị tại khoa được 3 ngày đã xin chị cho cháu được về nhà vì điều kiện gia đình không có khả năng tiếp tục điều trị cho cháu. Bác sĩ Giang đã động viên gia đình cho cháu ở lại khoa điều trị, chị sẽ đi kêu gọi các nhà hảo tâm để giúp đỡ gia đình. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, với sự giúp đỡ của bác sĩ Giang, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các mạnh thường quân, bệnh nhân Thảo đã phục hồi sức khỏe và hiện nay khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
Bên cạnh những đứa trẻ may mắn được cứu chữa thì cũng có trẻ mãi mãi không còn được về với gia đình. Chị Giang tâm sự, chị ám ảnh khi chứng kiến hình ảnh người cha cách đây gần 10 năm, khi có con bị mắc bệnh hiểm nghèo - một người đàn ông mạnh mẽ ngồi ở một góc, lặng lẽ khóc khi biết bệnh của con. Vợ thì cầm tay chị nói: “Bác sĩ ơi, hãy cứu con tôi, vợ chồng tôi khó có con nên mãi mới sinh được cháu”. Nghe vậy mà lòng chị quặn đau mặc dù chị đã cố hết sức mà lực bất tòng tâm. Nói đến đây, bác sĩ Giang rưng rưng nước mắt.
Thắp lên hy vọng
Gần 30 năm trong nghề, bác sỹ Giang tiếp nhận đến hàng nghìn bệnh nhân, mỗi bệnh nhân nhi là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng với chị những bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia (bệnh thiếu máu, tan máu di truyền) là những bệnh nhân đặc biệt. Có em nhỏ khi đau không biết nói, biết chỉ như người lớn, ngôn ngữ để bày tỏ mọi cảm xúc tiêu cực của các em chỉ có tiếng khóc. Còn cha mẹ đưa con đi viện không chỉ mệt mỏi về thể xác, đau đớn về tinh thần mà còn cộng thêm cả gánh nặng về vật chất.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc trẻ tại phòng Đơn nguyên sơ sinh.
Năm 2009, khoa Nhi bắt đầu tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhi mắc bệnh Thalassemia. Từ 30 bệnh nhân đến nay khoa tiếp nhận điều trị thường xuyên cho trên 300 bệnh nhân, trong đó, trẻ mắc bệnh này chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian đầu điều trị cho trẻ mắc bệnh Thalassemia, chị không có đêm nào ngủ ngon và già đi trông thấy. Chứng kiến nhiều gia đình các cháu, từ nông thôn đến thành thị khi có con mắc bệnh Thalassemia đã trở nên kiệt quệ, có nhà còn phải cầm cố, bán nhà cửa, nợ nần chồng chất mà vẫn quyết tâm theo đuổi, điều trị cho con dù rằng đó chỉ là kéo dài sự sống cho cháu bé, chị rút ra một điều rằng: “Trên đời này, con cái luôn là tất cả tình yêu, hy vọng của cha mẹ”.
Là người trực tiếp chăm sóc, trò chuyện cùng các bệnh nhân, bác sĩ Giang chia sẻ, bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia đa phần đều đến từ các huyện xa của tỉnh, hoàn cảnh gia đình nhiều em rất khó khăn. Thương các bệnh nhân tuy còn nhỏ tuổi đã phải chịu nhiều thiệt thòi, chị luôn cố gắng để bù đắp phần nào cho các con. Nhiều lần chị nhường phần sữa tươi theo chế độ của mình cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, xã Tân Tiến (Yên Sơn), bố một bệnh nhi mắc bệnh Thalassemia bày tỏ: “Con tôi hàng tháng phải vào điều trị tại khoa Nhi. Trong thời gian điều trị ở đây, con tôi và người nhà tôi được các bác sĩ, điều dưỡng rất quan tâm và nhiệt tình chăm sóc. Tuy nằm viện nhưng tôi cảm thấy đó như là mái nhà thứ 2 vậy. Đây chính là động lực để gia đình tôi kiên trì điều trị cho cháu, vì nhà tôi nghèo lắm”.
Và chính từ tình yêu dành cho bệnh nhân nhi và đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia, năm 2014 chị đã quyết định nghiên cứu sinh với đề tài “Nâng cao tần suất, đặc điểm lâm sàng và đột biến gen bệnh Thalassemia ở trẻ em người dân tộc Tày, Dao tỉnh Tuyên Quang” và đến tháng 3-2022 chị đã bảo vệ thành công đề tài này.
Một đứa trẻ ra đời an lành, trọn vẹn đã là một phép màu. Một đứa trẻ được đưa từ lồng ấp qua bao gian nan tới tay cha mẹ còn hơn cả một điều kỳ diệu. Đó là nỗ lực và yêu thương của rất nhiều người, trong đó có sự cống hiến miệt mài và thầm lặng của những người như bác sĩ Giang, người luôn mang trong mình một trái tim nhân từ và ấm áp.
Gửi phản hồi
In bài viết