Sức vươn Bạch Xa

- Những con đường bê tông uốn lượn qua nương chè, đồi cam, những ngôi nhà xây đã xuất hiện nhiều hơn ở các xóm, bản người Dao, Tày, Mông, Kinh. Vùng đất khó Bạch Xa (Hàm Yên) đang nỗ lực “thay da đổi thịt” vươn lên xã nông thôn mới.

Đường bê tông lên Lùng Cao, thôn Phù Hương, xã Bạch Xa vừa hoàn thành năm 2022.

Cuộc sống mới

Dẫn chúng tôi về thôn, ông Trần Văn Hon, Trưởng thôn Làng Ẻng nói như đúc kết: “Con đường, mái trường, tường nhà là minh chứng của sự đổi thay. Ngày trước ở Bạch Xa, nhà tường mái ngói, đường bê tông hiếm lắm. Nhưng nay đường quanh thôn, không trải nhựa thì cũng bê tông hóa, xe hơi vào tận cửa nhà, nhà xây, mái tôn đã phổ biến. Người dân vui mừng, phấn khởi khi quê hương ngày càng đổi mới”.

Ông Hon bảo, Làng Ẻng có 142 nóc nhà với 5 dân tộc Dao, Tày, Mông, Hoa, Kinh sinh sống. Kinh tế chủ yếu dựa vào vườn rừng. Người dân đã chủ động phát triển kinh tế, xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thôn còn 16 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Cuộc sống người dân chưa thật sự giàu có nhưng cái nghèo đã dần lùi xa. Đó là thành quả của đổi mới tư duy, xây dựng nông thôn mới.

Vườn cam Vinh của gia đình anh Bàn Văn Cao, dân tộc Dao của thôn Làng Ẻng đang độ chín, vàng xuộm cả một khu đồi. Anh Cao khoe, vườn cam này được 8 năm rồi. Năm cao nhất thu được đến 800 triệu đồng, năm nay mới bán được có hơn 200 triệu đồng. Bán hết chắc được trên 300 triệu đồng. Anh bảo, năm nay quả kém do thời tiết đầu năm mưa nhiều, giá cả lại thấp hơn mọi năm nữa. Nhưng với người nông dân thì có tiền trăm triệu từ vườn đồi là cả vấn đề. Tư duy làm ăn thay đổi cộng với có đất vườn đồi đã thực sự làm đời sống của gia đình anh khá giả. Anh chia sẻ: “Có sự đổi thay này, người dân ơn Đảng, Nhà nước đầu tư đường sá, vốn vay phát triển kinh tế”…


Vườn cam vinh của gia đình anh Bàn Văn Cao, dân tộc Dao của Làng Ẻng.

Anh Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Xa chia sẻ, xác định tiêu chí thu nhập sẽ tạo nên sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới nên Đảng ủy, UBND xã chú trọng thực hiện những năm qua. Xã đã có nhiều mô hình thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, điển hình như mô hình VAC của anh Nguyễn Văn Quang, thôn Bến Đền; mô hình vườn cây ăn quả của anh Ngô Thanh Tân, thôn Ngòi Nung; mô hình nuôi dê của anh Trần Văn Thành, thôn Làng Ẻng...

Ông Triệu Văn Bách, thôn Ngòi Nung là người đầu tiên mang cây cam sành về trồng ở đất Ngòi Nung. Ông Bách chia sẻ: “Chục năm trước, thấy nguồn lợi từ trồng cây cam, tôi đã đích thân học hỏi các hộ dân ở Phù Lưu để đưa cây cam về trồng. Bên cạnh cây cam sành là cây trồng mũi nhọn, tôi đã tận dụng đất vườn tạp để trồng thêm cây chanh tứ mùa. Hiện nay, gia đình tôi có 2,5 ha cam và 1 ha chanh tứ mùa, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.

Hiện nay thôn Ngòi Nung có 116 hộ, trong đó có 80% số hộ dân trồng cây ăn quả. Điển hình như các hộ ông Nguyễn Văn Quân, Đặng Văn Lăng, Triệu Văn Quế... trồng trên 3 ha cam và chanh, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Sức mạnh từ nhân dân

Chuyện hiến một khu đồi rộng 1.036 m2 để xây dựng lớp học mầm non của anh Nguyễn Văn Chu, dân tộc Dao, thôn Cầu Cao vẫn còn “tiếng thơm” trong lòng người dân Bạch Xa. Anh Chu chia sẻ, nơi này, trước đây được trồng nhiều loại cây ăn quả như: vải, nhãn, hồng xiêm, trám và hơn 6 sào chè cành, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Đó quả thực là số tiền không nhỏ đối với người dân vùng đất núi này. Anh Chu bảo: “Bọn trẻ được học hành trong điều kiện tốt, chu đáo thì tương lai mới xán lạn được. Gia đình tôi hiến đất xây lớp học cũng bởi mong ước ấy”. Không những thế, mới đây, gia đình đảng viên Nguyễn Văn Chu lại hiến hơn 200 m2 đất vườn để xây dựng nhà văn hóa thôn Cầu Cao 2.   

Vườn bưởi của gia đình ông Đỗ Công Ninh ở Lùng Cao, thôn Phù Hương, xã Bạch Xa thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Việc chung sức của người dân trong thực hiện các tiêu chí đã giúp Bạch Xa đang về đích nông thôn mới từng ngày. Con đường bê tông dài 1.000 m vượt núi lên khu Lùng Cao của thôn Phù Hương vừa hoàn thành trong sự phấn khởi của nhân dân. Anh Nông Văn Tuấn, Trưởng thôn Phù Hương bảo, tuyến đường này không chỉ là con đường đi độc đạo của trên 30 hộ dân mà còn là con đường chuyên chở 50 ha hoa quả, 20 ha rừng.

Trước đây, đường dốc cao, việc chuyên chở vật liệu khó nhưng mãi đến giờ người dân mới có điều kiện đóng góp cùng với nguồn lực hỗ trợ xi măng của tỉnh thực hiện bê tông hóa. Để làm tuyến đường này, nhà nào cũng sẵn sàng hiến đất, đóng góp vật chất. Riêng 17 hộ dân có đất đai canh tác, trồng hoa quả, rừng ở Lùng Cao đóng góp nhiều nhất, hộ ít đóng góp 14 triệu đồng, hộ nhiều lên tới 24 triệu đồng; đồng thời đường mở rộng đến đâu, hiến đất đến đó. Tổng đóng góp của thôn lên tới 310 triệu đồng. “Đối với một thôn 80% người đồng bào dân tộc thiểu số, ở xã vùng cao, đó là sự cố gắng vượt sức tưởng tượng” - Anh Tuấn nói.

Ông Đỗ Công Ninh, thôn Phù Hương, một trong những hộ dân đi đầu trong hưởng ứng làm đường bê tông lên Lùng Cao bày tỏ: “Con đường là niềm mơ ước của người dân xóm núi này. Tôi đã bán bò để đóng góp hơn 16 triệu đồng làm đường, hiến 300 m2 đất mở rộng đường. Có đường bê tông không chỉ việc đi lại đỡ vất vả mà quả bưởi, quả cam, con bò, con dê làm ra không sợ không bán được”. Qua đây cho thấy lời dạy của Bác Hồ “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” thực sự ý nghĩa. Việc tưởng như không thực hiện được nhưng có sự đồng thuận của người dân đã hoàn thành hơn mong đợi.

Quả vậy, chạy xe bon bon trên những con đường bê tông vừa đưa vào sử dụng, chúng tôi cảm nhận Bạch Xa đã thay đổi nhiều và theo lời của đồng chí La Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Bạch Xa thì sự thay đổi này là nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Bạch Xa hoàn thành 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí là môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, y tế đang thực hiện.  

Cùng với sức vươn của con người, mảnh đất vùng khó Bạch Xa, Nhà nước đang đầu tư cầu bắc qua sông Lô sẽ tạo thêm sức mạnh để Bạch Xa khởi sắc hơn nữa trong thời gian tới.
 

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục