Anh Hoàng Văn Tuân.
Anh Tuân chia sẻ, gia đình có 3 ha đất rừng trồng tre lấy lá, công việc hàng ngày đi hái lá tre tươi, đem bán cho các cơ sở thu mua, sơ chế lá tre khô ở các xã thuộc huyện Yên Sơn. Sau nhiều lần trao đổi, anh Tuân tìm hiểu, học tập kỹ thuật sơ chế lá tre tươi và áp dụng tại gia đình. Đầu tháng 4 năm nay, anh đầu tư 65 triệu đồng lắp 2 lò sấy, công suất sấy 1,5 tấn lá, sau 7 tiếng sẽ cho ra 7,5 tạ lá tre. Giá bán khoảng 5 triệu đồng 1 tạ thành phẩm, tính trung mỗi tháng lúc cao điểm cơ sở sấy lá của gia đình anh Tuân cũng thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Anh Tuân cho biết: Những chiếc lá tre được làm sạch hoàn toàn bằng biện pháp tự nhiên, không hóa chất sẽ được xuất khẩu sang Đài Loan để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm...
Bình Nhân hiện có 50 ha tre, là nguồn cung nguyên liệu ổn định cho cơ sở của anh Tuân. Để đảm bảo giá cả tốt nhất cho người dân, anh Tuân trực tiếp đứng ra thu mua lá tre tươi với giá từ 10.000 đồng/kg trở lên. Tất cả phải là lá tre bát độ (hay còn gọi là bương). Lá tre được thu mua đều đảm bảo tiêu chí chất lượng, lá phải to, không bị rách, còn xanh màu và tuyệt đối không úa vàng. Mỗi lá có chiều dài khoảng 38 - 40cm, rộng từ 8 cm trở lên. Để hợp tác làm ăn lâu dài, tất cả những hộ có bán lá tre, anh Tuân đều tìm đến tận nơi thu gom, kiểm tra. Anh Tuân cho biết, anh phải xuống tận nơi hướng dẫn người dân thu hái để đảm bảo những chiếc lá không rách, màu xanh đẹp và đặc biệt phải to.
Hiện tại, cơ sở thu mua và sơ chế lá tre của anh Hoàng Văn Tuân đang tạo việc làm 10 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Đồng chí Ngọc Vương Anh, Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Nhân cho biết thêm: Chính quyền xã rất khuyến khích mô hình sấy lá tre như gia đình anh Tuân bởi thị trường ổn định, lại tạo thu nhập cho lao động nông thôn. Với 50 ha tre của toàn xã thì đây đang là nguồn nguyên liệu dồi dào, điều kiện thuận lợi để người dân vươn lên phát triển kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết