Tiên phong thay đổi
Men theo con đường bê tông quanh co, chúng tôi tìm đến đồi cây ăn quả của gia đình anh Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên). Những vạt cam trải dài, xanh ngát, trĩu quả tạo nên sự khác biệt của khu vườn giữa bốn bề rừng cây. Thời điểm này, những trái cam sành đang bắt đầu mọng nước, đẩy ngọt.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cam rộng hơn 5 ha của gia đình, anh Hùng kể, năm 1998, anh lập gia đình và được bố mẹ để lại cho mảnh đất này để phát triển kinh tế. Ngày ấy, đất rộng nhưng anh chỉ trồng keo, mãi đến nay 2014 anh mới xin được giấy phép khai thác gỗ. Vùng đất này nổi tiếng trồng cam cho ra những trái cam thơm ngon. Sẵn tiền từ bán rừng keo, anh mua thêm 10 ha đất trồng thêm keo lấy gỗ; đầu tư trồng 5 ha cam, trong đó có 3 ha cam sành và 2 ha cam Vinh, V2, BH.
Cũng như nhiều hộ trồng cam khác, anh canh tác theo hướng truyền thống, sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh hại. Nhưng rồi ngày càng nhiều hộ dân lạm dụng thuốc hóa học, đến gần thu hoạch vẫn sử dụng thuốc. Cam dù mẫu mã đẹp nhưng chưa đủ thời gian cách ly đã được thu hoạch, sau khi cắt rất nhanh bị thối hỏng, lâu nhất được 5 ngày dù có cắt nhẹ nhàng từng quả.
Thực tế đó khiến anh Hùng trăn trở lắm. Cam sành Hàm Yên trước nay vẫn được coi là đặc sản thơm ngon. Nay lại vì hóa chất mà trở nên mất giá, thậm chí còn ảnh hưởng, gây nguy hiểm không nhỏ đến môi trường sống, sức khỏe của bản thân và người sử dụng. Vì vậy, anh đã nung nấu ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch, đặt sức khỏe của người sử dụng và bảo vệ môi trường lên hàng đầu.
Anh bắt đầu mày mò, học hỏi trên mạng, báo, đài... rồi tìm đến các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh để tìm hiểu. Càng tìm hiểu về trồng cam hữu cơ anh lại càng hiểu và say mê hơn. Anh còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ anh Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên, giúp liên hệ, hỗ trợ kỹ thuật, mời chuyên gia của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam về mở lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại huyện.
Thế là ngay khi kết thúc vụ cam 2017-2018, anh quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích 3 ha trồng cam sành của gia đình sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Lúc mới đầu chuyển đổi sang hữu cơ, cây cam không được sử dụng thuốc kích thích, phân bón tăng trưởng nên ra ít hoa đậu ít quả, giảm sản lượng. Bà con trong làng, người ác ý thì bảo anh gàn dở, tự tay mình phá kế sinh nhai, người thông cảm thì khuyên anh nên quay lại cách thức sản xuất cũ. Nhưng theo hữu cơ phải trải qua 2-3 năm đầu thay đổi, nên anh Hùng vẫn vững tâm động viên gia đình theo làm hữu cơ. Thậm chí, anh đã xác định sẽ dành 5 năm đầu để vườn cam có thời gian thay đổi, thích nghi với phương pháp mới - anh Hùng bảo.
Với anh làm nông nghiệp sạch cần nhất là phải có tâm, làm phải thật, phải kiên trì. Trước đây, đến vụ bón phân anh chỉ cần mang lên đồi bón là xong, cây bị sâu bệnh thì phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Nhưng trồng cam hữu cơ quy trình hoàn toàn khác, mất nhiều thời gian và công sức hơn so với làm truyền thống. Phân bón được ngâm, ủ từ đỗ tương, cá, quả chuối, thuốc trừ sâu là sử dụng hỗn hợp các loại củ quả từ tự nhiên, làm cỏ bằng phương pháp thủ công. Cỏ dưới tán cam anh cho mọc tự nhiên và chỉ dùng máy phát quang, để chính những cây cỏ này giữ ẩm cho đất, rồi lại trở thành chất bón hữu cơ. Như thế, anh vừa không phải mất chi phí nhân công làm cỏ, vừa không phải tốn chi phí thuốc diệt cỏ.
Cán bộ Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên trao đổi kỹ thuật chăm sóc cam sành hữu cơ với anh Hoàng Đức Hùng.
Quả ngọt
Không phụ công chăm sóc của anh, vượt qua năm thứ 3, cây cam đã phát triển ổn định lại, cho quả sai hơn. Đồng thời, vườn cam sành hữu cơ của anh được Chứng nhận hữu cơ PGS do Hội Nông nghiệp Hữu cơ Tuyên Quang công nhận. Đến lúc này, sau 5 năm sản xuất cam theo hướng hữu cơ, anh đã có thể yên tâm và hài lòng vì anh đã đi đúng hướng nông nghiệp sạch.
Cái được lớn nhất khi chuyển sang canh tác hữu cơ là được về sức khỏe. Là người trực tiếp sản xuất, không bị ảnh hưởng bởi hóa chất, nên thấy người khỏe ra. Thành phẩm cam đến tay khách hàng, mình thấy lương tâm mình cũng “sạch”, vì khách hàng của mình được sử dụng những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe”. - Anh tự hào nói.
Mấy năm trở lại đây, do sự phát triển ồ ạt nên quả cam bị rớt giá, tiêu thụ khó khăn. Nhưng những người trồng cam hữu cơ như gia đình anh vẫn yên tâm về đầu ra cũng như giá. Cây cam sản xuất theo hướng hữu cơ cho trái to tròn, căng mịn và ngọt đậm, thương lái luôn đặt hàng với giá cao hơn các vườn khác trong vùng. Vụ cam năm trước, 3 ha cam sành hữu cơ của gia đình anh cho năng suất đạt hơn 30 tấn. Với giá bán tại vườn 25-28 nghìn đồng, cao gấp 3-4 lần so với cam truyền thống. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi gần 400 triệu đồng - anh khoe.
Để có thêm nhiều người cùng trồng và chăm sóc cam theo hướng hữu cơ và giúp quả cam hữu cơ đi xa hơn nữa, năm 2018, anh đã cùng 6 hộ trồng cam hữu cơ trong huyện thành lập Tổ hợp tác Cam Sành hữu cơ huyện Hàm Yên. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm, trồng cam hữu cơ đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, bản thân anh là trưởng nhóm Maketting của tổ, làm công tác liên hệ, tiêu thụ cam. Cam hữu cơ của tổ hiện đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch nhiều tỉnh, thành, từ Hà Nội vào đến TP Hồ Chí Minh… và ký kết làm bạn hàng thường xuyên.
Đánh giá cao về mô hình nông nghiệp hữu cơ, đồng chí Đặng Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, anh Hoàng Đức Hùng là nông dân tích cực, năng động, sáng tạo đi đầu trong việc mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp. Từ thành công mô hình của anh đã giúp nhiều nông dân thay đổi tư duy, chọn hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện xã nhân rộng được 14 ha trồng và chăm sóc cam theo hướng hữu cơ.
Với ý chí quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại vượt qua những khó khăn để thu được trái thơm ngọt lành, anh Hoàng Đức Hùng đã tiên phong thay đổi, lan tỏa phương thức canh tác để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết