Người tiêu dùng đang nhanh chóng thích nghi với thanh toán số.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ: Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng tại Việt Nam, thể hiện qua dữ liệu của mạng lưới VisaNet trong 3 tháng đầu năm 2023, khi tổng giá trị giao dịch thanh toán trên thẻ Visa tại Việt Nam đã tăng 32% so cùng kỳ năm 2022 và thanh toán trực tuyến cũng tăng trưởng theo đó. Ngoài ra, doanh số thanh toán xuyên biên giới cũng tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm trước.
Theo khảo sát của Visa, hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới và Việt Nam đang tiếp tục thay đổi hậu Covid-19, có tới 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt, có 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng, tăng 32% so với năm trước; tỷ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61% (năm trước 35%).
Điều này cho thấy xu hướng nói không với tiền mặt của người tiêu dùng, bằng chứng là người tiêu dùng đã mang theo ít tiền mặt hơn và ít sử dụng tiền mặt để thanh toán. Hai lý do phổ biến nhất khiến người dùng hạn chế mang tiền mặt là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp và thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện và áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỷ lệ lựa chọn các phương thức thanh toán kỹ thuật số cũng ngày càng gia tăng. Theo thông tin từ nghiên cứu, 90% người tiêu dùng Việt quan tâm đến hình thức ngân hàng số. Tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là rất lớn, vì hiện chỉ có 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ này. Khi giá trị thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội đầy tiềm năng để mở rộng dịch vụ kinh doanh ở thị trường trong nước.
Người tiêu dùng tại Việt Nam cũng đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà nhiều hơn, trong đó thanh toán trước khi giao hàng qua các phương thức trực tuyến là phổ biến nhất.
Nhìn chung, 85% người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch. Trong tương lai, họ kỳ vọng 80% giao dịch sẽ được thực hiện trực tuyến và nhận hàng tại nhà.
Việc cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến và giao hàng tận nhà sẽ là lợi thế để các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. 64% người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng trực tuyến lớn và doanh nghiệp hộ gia đình. Những thói quen chi tiêu này đã phần nào phản ánh xu hướng toàn cầu sau Covid-19 là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và phần lớn người tiêu dùng đón nhận các hành vi mua sắm mới.
Sự thay đổi thói quen tiết kiệm và chi tiêu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng các hành vi khác nhau của người tiêu dùng. 80% người được khảo sát cho biết họ đang tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai, 78% muốn lập kế hoạch và theo dõi chi phí hằng tháng chặt chẽ.
“Điều này cho thấy người dùng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm tài chính, cũng như chú trọng thiết lập ngân sách hằng tháng cho chi tiêu gia đình. Như vậy, người dùng có khả năng giảm chi tiêu cho một số mặt hàng và các doanh nghiệp cần lường trước sự chuyển dịch này”, nghiên cứu từ Visa lưu ý. Doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực mà người tiêu dùng có kế hoạch gia tăng chi tiêu, như: hàng tạp hóa, thời trang và quần áo, nghỉ dưỡng tại chỗ (staycation) hoặc du lịch nội địa.
Một thí dụ khác mà Visa cũng đưa ra về những thói quen đang thay đổi này là phần lớn người tiêu dùng đã quay lại du lịch kể từ đầu năm 2022, chủ yếu chuyến đi trong nước để thư giãn. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần bắt kịp với những thay đổi liên tục đang và sẽ diễn ra trong hành vi của người tiêu dùng.
Gửi phản hồi
In bài viết