Hướng dẫn công dân cài đặt tài khoản định danh điện tử.
Báo cáo từ Tổ công tác Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ tháng 5 nêu rõ: Đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 32,6 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử. Trong đó, phê duyệt 29 triệu hồ sơ (tăng 5,2 triệu hồ sơ so với tháng 4/2023). Đồng thời, cấp hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Đã có 10 tỉnh, 100 huyện và 298 xã trên toàn quốc cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội.
Tính đến ngày 19/5, 9 bộ, ngành và 55 địa phương đã thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 1,3 triệu trên 2,2 triệu hồ sơ được đồng bộ.
Báo cáo từ Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tháng 5 nêu rõ trong 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, có nhiều dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao. Điển hình như: Thông báo lưu trú (đạt 99,9%); đăng ký thường trú (89,4%, tăng 3,7% so tháng 4).
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Đối với dịch vụ công Đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng: Từ ngày 4/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành cho thí sinh toàn quốc đăng ký dự thi chính thức tại phần mềm Quản lý thi tốt nghiệp.
Tính đến ngày 13/5, đã có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công. Trong đó, có 968.903 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm tỷ lệ 94,51%), 56.251 thí sinh đăng ký trực tiếp (chiếm tỷ lệ 5,49%).
Đáng chú ý, ngày 21/5, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CO6), Bộ Công an cùng với FPT IS, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức thi thử, đánh giá tư duy sử dụng và tích hợp giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, khi làm thủ tục thi, thí sinh cần quét thẻ căn cước công dân gắn chip, thực hiện việc quét thẻ và chụp ảnh đối chiếu khuôn mặt. Sau đó kiểm tra trong danh sách dự thi, số phòng thi bảo đảm chính xác. Quá trình xác thực thông tin chỉ mất khoảng 20 giây/1 thí sinh. Qua đó, giải quyết dứt điểm tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử, nâng cao chất lượng giáo dục.
Về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại trường học và bệnh viện, một số địa phương thực hiện tốt như: Hà Nội (56/71 cơ sở y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt); Nghệ An (820/ 943 trường thực hiện thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt. Ninh Bình có 257/ 320 cơ sở giáo dục, thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Với quyết tâm chính trị cao trong đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng.
Gửi phản hồi
In bài viết