Giữa tuần trước, Facebook khiến cộng đồng mạng choáng váng khi công khai chặn tất cả người dùng ở Úc khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nền tảng của mình.
Ngay lập tức, động thái này đã khuyến khích nhiều người tìm kiếm tin tức một cách chủ động hơn, là thông qua các cơ quan truyền thông.
Thống kê của NiemanLab cho thấy lệnh cấm của Facebook đã làm sụt giảm mạnh lượng truy cập của nhiều trang tin tức trên nền tảng này, lên tới 93%.
Trong khi đó, các ứng dụng đọc tin lại có sự nở rộ về truy cập và lượt tải. Điển hình như ABC News - trang thông tấn hàng đầu tại Úc, chứng kiến cuộc lên ngôi ngoạn mục.
Ứng dụng của ABC News, lần lượt vươn lên top 2, rồi top 1 danh sách tìm kiếm tại cửa hàng App Store, vượt qua cả Instagram, Messenger, Facebook, WhatsApp. Trước đó, ứng dụng này chỉ đứng ở vị trí khoảng 400.
"Bạn bỏ lỡ tin trên Facebook? Nhận ngay các tin mới nhất và thông báo trực tiếp với ứng dụng ABC News", tờ báo hàng đầu nước này chạy quảng cáo.
Fred Azis-Laranjo, sống tại Sydney, nhận xét rằng lựa chọn Facebook sẽ bị phản tác dụng, khiến họ đánh mất người dùng cũng như khách hàng không chỉ ở Úc, mà còn trên toàn thế giới.
Josh Gadsby, từng làm việc tại Financial Times cũng cho rằng các công ty lớn như Facebook, Google đang tác động lớn tới doanh thu quảng cáo của các nhà xuất bản truyền thống, và họ phải trả tiền để sử dụng các nội dung này.
Ngay sau khi Facebook có động thái nêu trên, nhiều người dùng mạng xã hội đã đổ xô lên Twitter để kêu gọi tẩy chay Facebook. Những dòng hashtag như "#DeleteFacebook", "#BoycottZuckerberg", "#FacebookWeNeedToTalk"... xuất hiện hàng loạt trên Twitter và thu hút được rất nhiều bình luận, chia sẻ.
"Trào lưu tẩy chay Facebook đang quay lại. Chúng ta hãy cùng nhau làm thật quyết liệt, họ phải tôn trọng người dùng, tôn trọng luật nơi họ làm ăn. Facebook là ứng dụng kết nối người dùng, không nên là một nền 'quân chủ độc tài'. Hãy xóa Facebook", tài khoản Pablo Rogers viết.
Stephen Scheeler, cựu CEO Facebook ở Úc cũng lên tiếng bảo vệ quyền lợi người dùng. Ông khuyến khích người dân Úc gửi thông điệp mạnh mẽ đến công ty bằng cách xóa ứng dụng, đồng thời kêu gọi đặt ra những "quy định nhiều hơn" dành cho Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung.
"Tôi từng tự hào khi là một Facebooker, nhưng trong những năm qua, tôi ngày càng bực tức hơn với mạng xã hội này. Đối với Facebook và Mark, họ quan tâm quá nhiều tới tiền bạc và quyền lực hơn là lợi ích. Tất cả người dân Úc nên cảm thấy đáng báo động về điều này".
Reset Australia, tổ chức toàn cầu với mục tiêu chống nguy cơ kỹ thuật số với nền dân chủ, cũng lên án Facebook. Giám đốc điều hành Chris Cooper cho rằng việc Facebook chặn tin tức giữa thời điểm dịch bệnh thực sự cho thấy Zuckerberg "quan tâm" tới xã hội và cộng đồng Australia ra sao.
Ông cũng nhắc lại về vấn nạn tin giả trên Facebook, và cho rằng mọi người nên rời khỏi kênh thông tin này. "Mạng xã hội đã trợ lực cho các thuyết âm mưu và tin giả, đẩy mọi người vào "buồng vang" nơi tất cả những gì họ thấy chỉ là tin giả. Sự vắng bóng của tin tức trên nền tảng chỉ làm tăng hiệu ứng của buồng vang này".
Gửi phản hồi
In bài viết