Trong vài thập kỷ trước, bàn phím QWERTY vật lý từng là một thứ không thể thay thế trên những chiếc điện thoại. Nó giúp cho người dùng có thể dễ dàng thực hiện các thao tác soạn thảo, gõ văn bản một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Thậm chí, đối với nhiều người, việc sử dụng bàn phím QWERTY vật lý đã trở thành một thói quen. Họ có thể dễ dàng nhắn tin, trả lời email mà không cần phải nhìn trực tiếp vào các ký tự trên bàn phím. Điều này chắc chắn bạn sẽ không thể làm được ngay cả khi gõ bàn phím ảo trên những chiếc smartphone hiện tại.
Khi thị trường smartphone vẫn còn sơ khai, đây được xem là một trang bị bắt buộc phải có. Hầu hết điện thoại thông minh trong thời điểm đó đều được tích hợp bàn phím QWERTY vật lý để giúp người dùng có thể nhập liệu một cách dễ dàng hơn.
Thời điểm này, những chiếc điện thoại vẫn chỉ được trang bị màn hình cảm ứng điện trở kích thước nhỏ cùng với độ phân giải thấp. Việc nhắn tin trên những mẫu máy này mang lại trải nghiệm vô cùng tệ. Bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng khi đó có kích thước nhỏ, khó nhấn, khiến cho tốc độ soạn thảo văn bản rất chậm.
Cuối những năm 90, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ như Nokia, BlackBerry hay HTC đã trang bị bàn phím QWERTY vật lý trên những chiếc điện thoại của họ và tạo ra trào lưu vào thời điểm đó.
Những chiếc smartphone chạy nền tảng Symbian, BBOS và Windows Mobile được tích hợp bàn phím QWERTY vật lý đều mang đến trải nghiệm sử dụng rất tốt. Nó giúp người dùng thao tác nhanh chóng hơn khi nhắn tin, hạn chế tình trạng gõ sai chính tả. Thậm chí, có thời điểm, những chiếc smartphone được trang bị bàn phím QWERTY vật lý còn được xem là biểu tượng của doanh nhân, thời thượng.
Tuy nhiên, thế giới công nghệ luôn luôn thay đổi. Năm 2007, Apple đã gây chấn động thị trường công nghệ khi ra mắt chiếc iPhone 2G loại bỏ hoàn toàn bàn phím vật lý. Khi đó, bàn phím ảo trên iPhone đã khiến không ít người dùng ngạc nhiên vì trải nghiệm mà nó mang lại.
Không lâu sau, các nhà sản xuất smartphone Android cũng liên tục chạy đua để bắt kịp Apple. Khi đó, các hãng di động đã bắt đầu chuyển qua sử dụng màn hình cảm ứng điện dung, cho trải nghiệm vuốt chạm tốt hơn.
Cùng với đó, kích thước màn hình của smartphone cũng ngày càng lớn hơn trước. Lúc này, những chiếc smartphone với màn hình cảm ứng kết hợp bàn phím vật lý từ BlackBerry và Nokia đã dần bị bỏ lại phía sau.
Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, con số 6 inch đã trở thành một kích thước trung bình trên những chiếc smartphone. Thậm chí, nhiều mẫu máy còn có màn hình lên tới gần 7 inch. Với kích thước lớn hơn, không gian vuốt chạm trên bàn phím ảo cũng rộng rãi và dễ dàng hơn.
Chưa dừng lại ở đó, bàn phím ảo trên smartphone cũng được các hãng liên tục cải tiến để trở nên thông tin hơn trước, có thể dự đoán và tự sửa lỗi một cách chính xác hơn.
Một vấn đề khác của bàn phím QWERTY vật lý là nó khiến cho trọng lượng cũng như kích thước tổng thể của smartphone bị tăng lên tương đối nhiều. Trong khi đó, các nhà sản xuất smartphone luôn cố gắng gọt mỏng thiết bị của mình để chúng gọn gàng hơn. Vì thế, việc loại bỏ trang bị này là điều không thể tránh khỏi.
Vài năm trước, BlackBerry đã từng cố gắng đưa bàn phím QWERTY vật lý trở lại thị trường với một số mẫu smartphone khá độc đáo như Priv, PassPort hay Key One. Tuy nhiên, chúng lại không nhận được sự chú ý từ người dùng do thiết kế quá khác lạ cùng với các thao tác sử dụng chưa tối ưu.
Gửi phản hồi
In bài viết